.

Chợ quê ngày Tết

.

(ĐNĐT) - Không gian Tết Việt xưa không chỉ xuất hiện ở Công viên 29-3 mà còn tại khu du lịch 5 sao Furama Resort…

Trong 3 đêm 10, 11 và 12-2, lần đầu tiên một khung cảnh Tết Việt xưa được tái hiện khá độc đáo tại khu nghỉ mát 5 sao Furama Đà Nẵng. Cổng chính dẫn vào tiền sảnh lộng lẫy với 500 đèn lồng đỏ và 12 con giáp đan bằng mây tre. Màu chín đỏ của đèn lồng, màu đỏ tươi của câu đối, màu hồng của hoa đào hoà với đủ loại sắc màu tươi thắm của khu vườn hoa cỏ rực rỡ chứa đựng sinh khí dồi dào, tràn đầy sắc xuân.

Khung cảnh chợ quê Việt ngày Tết được tái hiện tại Furama Resort. 

Theo Phó Tổng Giám đốc Furama Resort Huỳnh Tấn Vinh, mấy năm gần đây, du khách quốc tế có xu hướng đến Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền để tận hưởng và khám phá hương vị Tết Việt khá đặc sắc. Nhiều gia đình Việt có điều kiện cũng muốn tìm đến các dịch vụ cao cấp mà vẫn trọn vẹn hương vị Tết để hưởng thụ thời gian nghỉ ngơi và sum họp gia đình đầu năm mới. Đó chính là lý do để Furama Resort tái hiện khung cảnh Tết Việt giữa không gian sang trọng của một khu du lịch 5 sao.

Du khách được thưởng thức nhiều nét văn hoá truyền thống Việt, từ thư pháp đến các món ẩm thực, cách gói bánh tét...


Với chủ đề “Vườn Xuân - Vườn địa đàng”, toàn bộ khuôn viên Furama được kiến tạo thành khung cảnh chợ quê, với quán “Trà cô Lý” cùng các gánh hàng ăn dân dã đậm đà hương vị Tết. Các thiếu nữ bán hàng trong trang phục xuân truyền thống của áo tứ thân mớ ba mớ bảy, của yếm thắm và khăn mỏ quạ, của “thắt lưng xanh” và tóc vấn đuôi gà duyên dáng thật dễ làm say đắm lòng người.

Các cháu nhỏ thích thú với món bánh bèo, bánh lọc, còn du khách nước ngoài thì khoái khẩu với món bánh xèo


Đặc biệt, hình ảnh các mẹ già gói và nấu bánh chưng, ông già xem bói, ông đồ viết câu đối, thư pháp, vẽ chân dung, triển lãm tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống, gian hàng làm con tò he hay nghệ nhân làng nghề nón lá, gian hàng tạc tượng đá, đèn lồng Hội An đã gây ấn tượng mạnh cho du khách về hình ảnh quen thuộc và giản dị của không khí chợ quê.

“Chợ quê” của Furama Resort cũng không quên tự hào giới thiệu các món ăn đặc đặc sản miền Trung như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, cao lầu Hội An… Và để trọn vẹn hơn nữa cảm xúc ấm áp và hấp dẫn của văn hóa Việt, du khách còn được chứng kiến hình ảnh làng quê VN với mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, thưởng thức các điệu múa Chăm, biểu diễn đàn tranh, tranh thêu tay XQ…

Khung cảnh làng quê Việt được tái hiện tại Công viên 29-3


Trong dịp Tết này, tại Công viên 29-3 cũng diễn ra Hội hoa xuân với nhiều nét mới lạ. Năm nay, không gian văn hóa dân tộc tại hội hoa xuân Đà Nẵng được thể hiện ở từng khu riêng biệt. Khu không gian văn hóa dân tộc Kinh mang đến cho người xem những lễ hội truyền thống như hội trống mùa xuân, múa lân, long lân quần hội; chương trình giao lưu thơ - nhạc của các dân tộc Kinh, Cơtu, Chăm; hội bài chòi; khu ẩm thực truyền thống và bán hàng lưu niệm...

Trong khi đó, không gian văn hóa dân tộc Chăm được tái hiện sinh động với những mô hình tháp Chăm, múa hát Chăm, dệt Chăm, biểu diễn nặn gốm và triển lãm gốm Chăm, các tiểu cảnh mô phỏng cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc Chăm... Bên cạnh đó là khu nhà sàn và các sinh hoạt trong nhà sàn của đồng bào Cơtu, cây nêu ngày Tết và điệu múa Tung Tung Da Dá do chính người Cơ-tu trình diễn...

Du khách được thưởng thức nhiều nét văn hoá truyền thống Việt, từ thư pháp đến các món ẩm thực, cách gói bánh tét...


Tại đây cũng trưng bày 1.000 tác phẩm nghệ thuật hoa viên như đá nghệ thuật, phong lan, tiểu cảnh, non bộ, xương rồng, cây cảnh, cá cảnh... và 35.000 đơn vị hoa cho người chơi Tết thưởng lãm. Đồng thời, có các hoạt động vui chơi giải trí, triển lãm như hái lộc đầu xuân, triển lãm tranh Đông Hồ, tranh phong cảnh đồng quê, sản phẩm gốm với chủ đề “Vũ điệu gốm mùa xuân”, biểu diễn thư pháp, trưng bày câu đối tết...

Cẩm An

;
.
.
.
.
.