.

8-3 sớm ở Tà Lang

.

(ĐNĐT) - Từ sáng sớm ngày 5-3, hơn 300 hội viên phụ nữ 7 thôn và đơn vị nữ công Công đoàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đã có mặt tại sân vận động thôn Tà Lang, chuẩn bị bước vào các hoạt động của ngày hội mồng 8 tháng 3.

Phụ nữ người Cơtu đón chào khách trên cầu Tà Lang – Giàn Bí

Chị Huỳnh Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bắc cho biết, mấy năm Hội chỉ tổ chức mit-tinh, văn nghệ ở trung tâm xã để quyên góp xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo. Phụ nữ 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí đi xe thồ mất mỗi người 50 nghìn đồng nên ít ai xuống dự được. Năm nay, có cầu Tà Lang - Giàn Bí mới, nhân 100 năm Ngày Quốc tế phụ nữ, 1970 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lãnh đạo xã đã nhất trí và hỗ trợ kính phí cho Hội tổ chức lễ trên Tà Lang. Cán bộ nam từ xã tới các thôn đều tham gia cắm trại, dựng lều, lo chuyện nước non phục vụ cho các chị. Đây là dịp để hai dân tộc Kinh, Cơtu trên địa bàn xã Hòa Bắc giao lưu, chia sẻ nhau trong cuộc sống.

Năm nay, ngày hội 8-3 ở Hòa Bắc sôi nổi hẳn lên. Các trò chơi dân gian như Nhảy bao bố tiếp sức, Vịt đẻ trứng, Cắm hoa bằng miệng, Bọp bong bóng... cùng với thi đấu bóng đá mi-ni đã khuấy động không khí hội hè khắp một vùng núi Tà Lang. Ở phần thi ẩm thực, phụ nữ dân tộc Cơtu đã làm ngạc nhiên phụ nữ người Kinh với cơm lam, ốc đá, bánh sừng trâu, lá sắn xào thịt heo, cá liên... Chị Nguyễn Thị Chọn, vợ anh học sinh miền Nam Bùi Hoài Ngô, về làm dâu người Cơtu ở thôn Giàn Bí, đã học được cách chế biến thức ăn của gia đình bên chồng, bày biện các thứ vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng.

Người Kinh và Cơtu càng thêm gắn bó qua các trò chơi dân gian

Rất nhiều chị người Kinh chưa bao giờ biết bà con Cơtu ở Tà Lang, Giàn Bí thế nào, dù ở cùng trong một xã. Chị Lê Thị Đoan, chi hội trưởng phụ nữ thôn An Định bên kia sông Cu Đê cho biết, nghe nói được xã hỗ trợ tiền xe đi về, lại được giao lưu với bà con trên Tà Lang, ai cũng háo hức lên đó một lần xem thử. Chị Trương Thị Muộn, chi hội trưởng phụ nữ thôn Tà Lang, đơn vị đăng cai, rất vui: “Mấy ngày trước, phụ nữ trong thôn chia nhau đi bắt ốc, làm cơm lam để đãi khách. Lâu quá mới có cái cầu đi qua đi lại, kẻ lên người xuống, vui lắm. Không biết tới hồi mô mới lại tổ chức 8 tháng 3 trên Tà Lang?”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.