.

Người họa sĩ của dân

.

Trong những ngày náo nức và hối hả chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân, cơ quan chúng tôi (Ban Tuyên huấn Quảng Đà) tiếp nhận một lính mới. Anh là một họa sĩ (anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp), người thấp nhỏ, da ngăm ngăm đen, nói giọng Nghệ đặc sệt.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh bên tác phẩm của mình. Ảnh: TL 

Lúc này cả nước vì miền Nam ruột thịt, tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương, cũng như nhiều đơn vị khác, có lính mới đến từ mọi miền đất nước là chuyện bình thường.

Chúng tôi đã mau chóng phân công anh và anh bắt tay ngay vào công việc.

Mậu Thân, như chúng ta đã biết, ở Quảng Đà kết thúc tức tưởi. Yêu cầu rất cao, hy vọng  rất lớn nhưng kết quả không như mong đợi. Chúng ta đã đóng góp rất tích cực để thay đổi cục diện chiến trường toàn miền. Ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay, chúng buộc phải xuống thang, tìm một lối ra. Nhưng với chúng tôi, Quảng Đà những tháng ngày sau Mậu Thân là thời kỳ ác liệt, khốn khó nhất.

Qua thử thách Mậu Thân, chúng tôi thấy anh Nguyễn Đức Hạnh là người ném vào hoàn cảnh nào cũng sống được và giao việc gì cũng có thể làm được.

Phẩm chất đó là quá quý với một cán bộ của một chiến trường ác liệt bậc nhất như Quảng Đà. Thế là chúng tôi sống với nhau chan hòa, tin cậy.

Không chỉ vậy, Hạnh còn là người có tài lẻ. Ở căn cứ nhiều lúc như sống thời nguyên thủy săn bắt, hái lượm, người có tài lẻ rất có lợi cho tập thể.

Cơ quan có người có tài bắt cá suối (bằng lưới và bằng tay) thì sẽ có ngay cảnh:

“Tuyên huấn ăn cá bỏ đầu
... thấy thế tiếc xâu đem về”.
Cơ quan có người săn thú giỏi, khi họp hội có khách, anh ấy sè sẹ xách súng ra đi, ít lâu sau về thế nào cũng có thịt rừng.
Cơ quan có người giỏi tìm nấm thì như là có một mỏ nấm ở đâu đó. Không có cảnh hái nấm thơ mộng như trong phim, nhưng chất tươi bổ dưỡng đó thì luôn sẵn, ngay cả khi không có gạo, vẫn được ăn sắn với canh nấm.

Hạnh có tài trèo cây, vóc dáng anh, nước da anh gợi hình ảnh một con vượn. Có khi đang đi trong rừng, thấy lao xao đâu đó nơi ngọn cây, rồi Hạnh hú một tiếng và thoăn thoắt tụt xuống, hai ống quần dài được Hạnh dùng làm bao, lúc thì đầy bòn bon ngọt, khi thì những chùm dâu da xoan vàng ruộm.

Là họa sĩ, công việc chính của Hạnh là ký họa những người, những cảnh của đất Quảng thời chiến tranh, ký họa rồi cố mà giữ sau này sẽ là những tư liệu vô giá về cuộc chiến, cũng có thể để từ đó sáng tác những tác phẩm đàng hoàng. Hạnh nghĩ vậy làm vậy và chúng tôi ủng hộ anh.

Về chiến trường Quảng Đà hồi ấy, còn có nhiều họa sĩ. Nhớ một lần, chúng tôi bố trí để họa sĩ Thế Vinh trà trộn vào đám đông mẹ chị lên đồn Bồ Bồ nhân dịp ngừng bắn vào lễ Giáng sinh. Bà con xáp vô Mỹ chúc mừng Giáng sinh, đòi Mỹ không được nã pháo xuống làng, dù người phiên dịch không giỏi lắm nhưng mọi người rất hăng hái khí thế. Anh Thế Vinh tranh thủ ký họa. Không rõ vì lý do gì chúng trở mặt xua đồng bào xuống núi, không trò chuyện vui vẻ nữa. Đồng bào vẫn cố xáp vào nhưng coi bộ chúng có thể nổ súng, đồng bào trở về nhưng đi từ từ, không tỏ ra nao núng tháo chạy. Anh Thế Vinh đang vẽ, một người chạy đến nói to với anh: “Mỹ nó xuống đấy, về với chúng tôi ngay”. Anh Vinh kể rằng, anh trả lời “Chờ một chút cho nó khô đã, xếp lại nó nhòe màu”. Người ấy (chắc là được phân công bảo vệ họa sĩ) nói như gắt “Mỹ đến bên đít rồi còn chờ khô”. Anh Vinh trở về an toàn, anh còn cho biết chính nhờ vội rút, có chỗ bị nhòe, nên bức ký họa ấy lại đẹp, lạ.

Còn họa sĩ Giang Nguyên Thái, sau ngày ký Hiệp định París, đi cùng bà con nhập đồn Gò Muồng (Đại Lộc) tuyên truyền Hiệp định, chống lấn chiếm, phá hoại, ngừng bắn. Chúng phản kích khá mạnh. Anh Thái phải nhờ một cơ sở giấu hộ chiếc gùi có giấy, bút vẽ và màu để rút lẹ. Cuộc đấu tranh bất thành. Họa sĩ cũng ấm ức vì không ký họa được bức nào về sự kiện Hiệp định Paris nhưng rất vui vẻ vì mấy hôm sau nhận được chiếc gùi với đầy đủ đồ nghề mà anh tưởng là không bao giờ có lại.

***

Hạnh là người năng nổ, gan dạ, đi nhiều, vẽ nhiều, xuôi ngược ngang dọc mọi vùng có thể đến được ở Quảng Đà. Anh đã có những ký họa về đội quân bà Thao trên đường vận chuyển lương thực về một xóm nghèo trụ bám bên sông Thu, về các chiến sĩ trong công sự chiến đấu ở Thượng Đức và nhiều ký họa về bà con các dân tộc miền núi. Có những bức anh vẽ theo lời kể của các chiến sĩ và có cả những bức sau này anh nói mới vẽ từ những ký ức những ngày đánh Mỹ.

Những ngày có mặt ở ban, Hạnh tham gia những việc như minh họa cho hai tờ báo của Đà Nẵng và Quảng Đà.

Sau ngày Bác mất, để phát động và nuôi dưỡng tinh thần biến đau thương thành sức mạnh, chúng tôi có mở cuộc vận động đăng ký “Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ”, Hạnh được giao thiết kế mẫu giấy đăng ký ấy. Chúng tôi đã in hàng ngàn bản và mọi người trong nhiều gia đình ở đất Quảng đã ký tên vào miếng giấy nhỏ có in hình cờ Mặt trận với lời thề son sắt.

Khi đồng chí Hồ Nghinh viết thư cho các cụ phụ lão ở Duy Hòa, có nội dung phát động nhân dân phá khu dồn bung ra về vùng giải phóng. Trong thư đồng chí có dẫn một câu chữ Hán:

Lung kê hữu thực oa thang cận
Dã hạc vô lương thiên địa khoang
(Con gà ở trong lồng có thức ăn đó, nhưng nồi nước sôi ở gần./ Con hạc kia không có chi ăn nhưng bầu trời rộng mênh mông)

Hạnh đã chớp lấy ý này vẽ một bức tranh cảnh một con gà trong lồng đầy gạo, bắp nhưng gần đó trên bếp lửa để một nồi nước sôi đã sẵn sàng và cảnh bên là hình ảnh một con chim hạc tự do bay lượn dưới trời xanh thẳm.

Bức tranh như một phương tiện cổ động trực quan, cùng với những thăm hỏi, gợi mở theo tinh thần lá thư của đồng chí Hồ Nghinh, chúng tôi nói với bà con về nỗi khổ nhục trong vòng kèm kẹp của quân thù và khơi dậy ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do. Và cách mạng đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh phá kèm bung ra.

Cũng khá may mắn là anh đã giữ được nhiều bức vẽ thời máu lửa. Ngay trong chiến tranh anh cũng bày tranh cho bà con, đồng chí xem. Sau ngày toàn thắng, anh có lẽ là họa sĩ tổ chức nhiều cuộc triển lãm nhất ở khắp nơi trên đất Quảng: Hội An, Đại Lộc, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Nam Giang, v.v… Không phải là những cuộc triển lãm hoành tráng, sang trọng nhưng chân thực, mộc mạc, gần gũi với đồng bào. Và những tranh anh trưng bày được đón nhận bởi nó như làm sống dậy những gì cao quý về một thời oanh liệt. Anh Phạm Đức Nam nói “rất xúc động được xem những bức tranh đầy tình cảm của người bạn chiến đấu của tôi”. Cuộc triển lãm có tên là “Hồi niệm chiến tranh” (29-3-2002) ở Đại Lộc được hầu hết cán bộ chủ chốt thời chống Mỹ quan tâm và không chỉ có hồi niệm,   một người thế hệ 6x ghi lại mấy vần:

Tôi thẫn thờ trước phòng tranh
Tôi lan man quay về quá khứ
Tôi ray rứt trước thực tại
Nợ nần nhau một chút thôi
Mà sao đau đáu cả đời khôn nguôi

Ở Nam Giang, một ông già người Cơtu cả đời chưa được chụp ảnh đi xem triển lãm, thấy chân dung mình được Hạnh ký họa hơn 30 năm trước cười ngất: “Cách mạng nó nhớ mình, họa sĩ nó vẽ mình hồi đi dân công đẹp lắm!”.

Ngoài đề tài chiến tranh, Hạnh còn vẽ về thành Đà đất Quảng trong xây dựng và về Bác Hồ. Nhưng tranh cổ động của anh về Bác rất ấn tượng. Tranh về Bác Hồ của anh đã được trưng bày trong triển lãm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội.

Từ lâu, Hạnh “họa sĩ dân làng” mơ ước có một cuộc triển lãm ở ngay giữa Đà Nẵng. Anh cũng như tất cả chúng tôi, ngày ấy từ Hòn Tàu, từ Dốc Kiền mỗi lúc nhìn về Đà Nẵng ai chẳng cảm thấy “Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy / Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”.

Hạnh đã về vào một ngày xuân đẹp nắng xanh trời như những ngày này và dù đang ở một mái tranh nghèo trên đất Hòa Nhơn anh vẫn mơ ước về một cuộc triển lãm ở Đà Nẵng.

Mới cách đây mươi lăm ngày, Hạnh khoe với tôi 29-3 năm nay Hạnh sẽ tổ chức triển lãm tác phẩm của mình tại Nhà hát Trưng Vương. Thành phố đã tài trợ 20 triệu đồng để Hạnh lo việc này. Làm ở giữa Đà Nẵng trong ngày hội lớn từ cái khung, cái giá đều phải thật chuẩn, Hạnh lo lắm.

Tôi có hứa với Hạnh sẽ đi xem và nếu có thể sẽ viết một bài báo giới thiệu Hạnh  và cuộc triển lãm.

Mấy hôm nay tôi gọi điện hoài mà không liên lạc được. Thật vô cùng đau xót, Hạnh ngã bệnh ra đi quá nhanh.

Thế là cuộc triển lãm mà Hạnh chờ đợi nhất ở Đà Nẵng vào đúng ngày mà 35 năm trước Hạnh cùng đồng đội tiến vào giải phóng đã không thành.

Hạnh ơi!
Tạo hóa và cuộc đời sao còn lắm bất công.

Một người cống hiến như thế, chân thực và nhiệt thành như thế sao cứ mãi sống trong nghèo thiếu, vất vả. Nghèo thiếu, vất vả Hạnh vẫn cười vui đi qua. Nhưng thật oan nghiệt, ước mơ giản dị và trong đẹp của Hạnh có một cuộc triển lãm giữa Đà Nẵng trong ánh pháo hoa lung linh sao lại không thành.

Nhưng Hạnh ơi. Rất nhiều người không được như Hạnh đâu. Chiến tranh đã đi qua 35 năm vậy mà Hạnh về với đến với đồng bào, đồng chí vẫn đậm như xưa tình kháng chiến. Họ vẫn yêu thương, gần gũi Hạnh như ngày nào, như không hề có gì thay đổi.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.