.

Những di tích cần được bảo vệ

.

Trong những di tích văn hóa lịch sử ở Ngũ Hành Sơn, chúng ta không thể không kể đến những ngôi mộ cổ và những mái nhà rường rêu phong cổ kính. Những di tích ấy đã góp phần tạo nên một nét đẹp huyền bí ở địa danh văn hóa lịch sử này. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những di tích vẫn chưa được nghiên cứu, bảo vệ đúng mức.

Một góc ngôi mộ cổ. 

Về Ngũ Hành Sơn hôm nay, bên cạnh sự đổi thay về không gian đô thị, vẫn còn đó những làng quê thanh bình, no ấm với những hàng tre cao vút, tiếng chim hót líu lo bên dòng sông Cổ Cò thơ mộng, nơi đây vẫn còn lưu giữ một ngôi mộ cổ được các nhà nghiên cứu bước đầu cho là mộ của thân mẫu Trần Quang Diệu, một danh tướng thời Tây Sơn.

Ngôi nhà cổ của ông Trần Xê… 

Mộ có diện tích 8,8m x 11,8m; bao gồm 2 tường thành, vòng thành trong bao quanh nấm mộ dày 0,40m, cao 0,8m; vòng thành ngoài dày 0,6m, cao 1m đều được xây bằng đá và vôi vữa. Nấm mộ có hình quả trứng, trước mộ có bia đá dày 0,2m, rộng 0,5m, cao 1m. Trên bia có chạm trổ sắc nét và công phu lưỡng long tranh châu và hoa văn dây lá. Mộ có 2 bình phong tiền và hậu nằm trên một trục thẳng. Bình phong hậu cao 1,5m, rộng 3m, mặt có ghi chữ Hán. Bình phong tiền cao 1,2m, rộng 2m, án ngữ mặt trước của mộ, tạo thành 2 lối dẫn vào mộ ở hai bên.

... và những họa tiết, hoa văn bên trong ngôi nhà. 

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ngũ Hành Sơn, trước đây vào năm 2005, ngành văn hóa thành phố có về khảo sát, tuy nhiên từ đó đến giờ đã 5 năm trôi qua, vẫn chưa có một kết luận nào về ngôi mộ cổ này?!

Bên cạnh ngôi mộ cổ là ngôi nhà cổ cũng không kém phần quan trọng về các yếu tố văn hóa, lịch sử cách mạng. Ông Trần Xê (tổ 2, Sơn Thủy, Hòa Hải), chủ nhân ngôi nhà cho biết, ngôi nhà này do ông tổ của ông xây dựng, đến ông là đời thứ 5. Nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà rường 3 ngăn, 2 chái. Cột, kèo được chạm trổ rất tinh tế và công phu với những hoa văn nổi, mang đậm nét một công trình kiến trúc nghệ thuật, trên mái lợp ngói âm dương.  Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chính tại ngôi nhà này, bố mẹ ông Trần Xê đã nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, hiện giờ trong khuôn viên ngôi nhà vẫn còn một căn hầm bí mật.

Với những kiến trúc về văn hóa, lịch sử của một ngôi nhà cổ có hàng trăm năm tuổi và là một địa chỉ cách mạng trong kháng chiến, ngôi nhà ông Trần Xê có thể được xem là một di tích lịch sử cách mạng. Tuy nhiên, hiện nay do quá trình chỉnh trang đô thị, ngôi nhà này đang nằm trọng diện di dời giải tỏa (đã kiểm định). Nên chăng, ngành văn hóa thành phố và quận Ngũ Hành Sơn cần gấp rút vào cuộc để tìm ra những hướng đi thích hợp cho những di tích nói trên.

Cũng cần nói thêm rằng, ngôi mộ cổ thân mẫu Trần Quang Diệu đang nằm trong khuôn viên ngôi nhà cổ này, nếu được xác minh và xếp hạng di tích thì Ngũ Hành Sơn sẽ tự hào có thêm một di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, một địa chỉ đỏ nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc và cũng là địa chỉ tham quan lý tưởng cho du khách khi đến với Ngũ Hành Sơn.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.