.

Cây hoàn diệp liễu

.

Juri Tuulik là nhà văn và kịch tác gia, đoạt giải thưởng của nước cộng hòa, sinh trong gia đình một thầy giáo ở đảo Abruka năm 1940. Ông tốt nghiệp phân khoa báo chí và triết học của Trường Lịch sử và Triết học thuộc Đại học Tartu năm 1963. Tập truyện ngắn đầu tiên của ông “Một giờ trước khi chia tay”được xuất bản năm 1966, theo sau là các tập “Một lâu đài cổ”, “Truyện ngắn Abruka” (1972), “Một công viên ở hải ngoại” (1976), “Thư gửi từ Đại Tây Dương” (1979) và tiểu thuyết “Cái vương miện” (1981). Ông cũng là tác giả của các vở kịch dành cho sân khấu và đài phát thanh.

Một lần nọ tôi quyết định đi thăm chú tôi, người đã không gặp chúng tôi từ ba năm nay. Ông sống không xa lắm: chúng tôi có thể trông thấy ngôi nhà ông với mái ngói trắng ở phía bên kia vịnh. Bạn có thể đến đó bằng xuồng trong vòng mười lăm phút. “Không vội”, cha tôi nói. Ông thực sự thích chú tôi. Chú đến thăm chúng tôi vào mỗi các năm nhuận, bởi vì vào năm bình thường, ông có thể tìm ra những công việc tốt đẹp hơn để làm thay vì đi thăm thân tộc.

Một lần cha tôi nói không vội, tôi phải đi. Tôi đã lên tuổi 15, do đó tôi hoàn toàn độc lập. Tôi đẩy xuồng xuống nước, ráp các mái chèo vào chốt giữ, đoạn nghe tiếng ai đó thở khò khè đằng sau. Đó là cha tôi, “Đừng có tự làm xấu mặt mình bên đó!” ông gào lên. “Dĩ nhiên là không”. “Chú của mày bướng bỉnh như một con bò!”. “Tự con cũng có đủ bướng bỉnh mà”, tôi nói và đẩy mái chèo.

Thời tiết tuyệt vời, mặt trời đang soi sáng, gió thuận chiều và nói chung, băng qua vịnh thì chẳng phải là nỗ lực lớn lao gì cho lắm. Lẽ tự nhiên, tôi không mong có bất cứ ai gặp tôi. Tôi buộc xuồng lại và leo lên bờ dốc đứng. Cửa ra vào của ngôi nhà mở rộng và tôi đi vào. Chú tôi đang ngồi ở cái bàn làm bếp, nhìn đăm đăm vào cái đồng hồ treo tường.

“Cháu thấy chú đã có một cái đồng hồ trên tường”, tôi nói với chú”, chú có tưởng tượng nó là một chiếc xe đạp không?”. Chú tôi cau có nhìn tôi, đoạn quay lại nhìn cái đồng hồ. “Mày phải gõ cửa trước khi mày bước vào”, ông càu nhàu. “Hai năm trước cháu đã gõ. Chú quên rồi sao?”. “Việc đó đúng là những gì tao muốn nói”. “Vẫn còn mấy chỗ lõm ở cánh cửa”. “Phải, nhưng không phải những chỗ mày làm ra. Chúng bị hư hỏng vì năm tháng. Hãy ra ngoài và gõ cửa”. “Khi nào cháu về nhà, cháu sẽ gõ. Chú có thể mời khách của chú ngồi xuống”. “Tao không nói chuyện với những kẻ ngoài cuộc hoặc mời họ ngồi”. “Vậy thì cháu sẽ ngồi xuống mà không chờ được mời”.

Chú tôi đứng dậy và nhìn tôi từ trên xuống dưới, từ đầu xuống chân rồi từ chân lên đầu. Sau đó ông nói, “Trước khi mày ngồi xuống mày phải nói xin chào!”. “Tại sao phải phí thì giờ vào việc đó? Tối nay cháu sẽ về nhà”. “Nếu mày hỏi tao thì bây giờ mày nên về đi”. Tôi ngồi xuống. “Được rồi, cả nhà mạnh khỏe chứ?”, tôi hỏi. “Tin tức ra sao?”. “Đừng có ngốc. Mày nên nghe những gì họ nói trên radio”.

“Đôi tai cháu đau khi nghe radio, chúng cảm thấy như bị nổ”. “Bố mày có thể làm việc lắp ghép, ông sẽ làm cho mày vài cái tai bằng gỗ”. “Thật khủng khiếp để nói xạo. Nếu cháu xạo, khói sẽ chui ra khỏi lỗ tai cháu. Chắc chúng bị bắt lửa”. Với câu đó, chú tôi đáp, “Hừ, tao thấy mày đang phát triển trí tuệ sâu sắc của giống đực rồi đó”. “Tầm nhìn của chú không tồi lắm. Chú có thể làm được những việc lặt vặt mà không cần kính đeo mắt”. “Tao thấy mày có hăng hái để làm một cuộc trắc nghiệm về sức mạnh rồi đấy”. “Có thể lắm. Vậy thì chúng ta hãy tán gẫu đi. Chúng ta có nhiều thời gian mà”.

Chúng tôi ra ngoài sân. Vào lúc đó vợ chú và hai đứa con gái của chú xuất hiện từ phía nhà kho. Vẫn còn ở xa, thím tôi la lên, “Chào cháu!”. “Không cần phải chào nó, mà chỉ việc đi kiếm một cây gậy tốt, cứng cáp. Tôi muốn xem thử ai trong chúng tôi kéo mạnh hơn”. “Ông đang nói gì thế?”, thím tôi nói, đập đập hai bàn tay, “Cậu bé đến thăm chúng ta mà”. “Một cậu bé tốt dữ ha! Thậm chí nó cũng chẳng chào tôi. Tôi sẽ xem thử nó có chào hay không. Được rồi, đi kiếm một cây gậy lớn coi nào!”. “Sao, một cây phong à?”. “Không, phong dùng cho việc làm bánh xe”. “Sồi thì sao?”. “Tốt cho việc làm thùng đựng cá mòi”. “Vậy thì cây trăn?”. “Tôi thường dùng cây trăn để làm thùng đựng sữa”. “Tôi có thể đem về một cây thông”. “Tôi sẽ dùng cái gì để đun phòng tắm đây?”. “Vậy thì tôi sẽ đốn một cây tùng”. “Tùng chỉ tốt để làm cột trụ”. “Vậy thì ông muốn gì nào? Cây hoàn diệp liễu thì sao?”. “Hoàn diệp liễu thì được”. Thím tôi chạy vào rừng và lôi về một cây hoàn diệp liễu dài thòng.

“Với cây hoàn diệp liễu này tao sẽ lôi sự bướng bỉnh ra khỏi mày”, chú tôi nói. “Rất có thể”, tôi nói, “Cháu luôn thích những trò vui”.

Chúng tôi ngồi xuống bãi cỏ giữa sân, hai bàn chân tôi ép sát hai bàn chân chú, chúng tôi nắm lấy cây hoàn diệp liễu bằng cả hai tay. “Cái cây non này thì hơi bị yếu,” tôi nói. “Tao sẽ thắng ngay lập tức với cây gậy này”. “Chú sẽ còn hối tiếc vì chú đã chọn một cái cây bé bỏng như thế này”.

“Kéo này”, chú vênh váo nói. Chúng tôi bắt đầu kéo. Nếu bạn so sánh sức mạnh của tôi với một động cơ ô-tô thì tôi khoảng từ ba đến bốn mã lực. Tôi run lên vì cười. Chú tôi đang la gào, mặt ông đỏ hồng và hơi nước phun ra khỏi miệng ông. Vào lúc đó tôi bảo ông rằng thế hệ hơi nước đã lỗi thời và rằng ngày nay máy móc tốt nhất hoạt động trên chất bán dẫn. Chú tôi không nói gì mà cứ tiếp tục kéo và thở hổn hển, nhân đó tôi bảo ông không cần phải vội kéo hơn tôi vì tôi có thời gian mà.

“Đừng quấy rầy”, chú tôi nói, thở một cách nặng nề. Tôi cảm thấy ân hận cho ông và quyết định chấm dứt mọi việc cho phần thắng về mình. Tôi nắm chặt cây hoàn diệp liễu hơn và lấy hết sức mình ghì nó về phía tôi. Trước sự ngạc nhiên của tôi, chú tôi không nhúc nhích một li. Ông nhìn tôi một cách trắc ẩn. “Mày có bị thấp khớp không vậy? Hay là tao đã tưởng tượng rằng các dây gân của đôi tay mày đã bị sưng phồng lên?”. Tôi không trả lời. “Chúng tao sẽ chữa cho”, chú nói, “Bây giờ nước ấm áp, chúng tao có thể sắp xếp cho mày một chầu tắm bùn”. Câu này khiến tôi hơi tức chút xíu, và tôi để cho động cơ ba hay bốn mã lực của tôi hoạt động trở lại. “Động cơ không kéo được. Xe đang trượt bánh”, chú tôi nói. Tôi giảm tốc. Tôi ngưng lại để thở đoạn chờ đợi: bây giờ đến lượt chú. Ông kéo.

“Chú có thể kêu vợ con chú đến phụ giúp”, tôi nói. Lại đến lượt tôi kéo. Chú động lòng hỏi”. Mày có muốn bắn vào trong bếp tự bồi bổ cho mày không? Tao sẽ đợi mày ở đây”.

Vào lúc đó vợ chú đi đến nói rằng đã đến giờ chúng tôi hãy ngưng cái trò chơi vô nghĩa lại và đi vào nhà. “Không phải là vô nghĩa”, chú đáp, “Mỗi người đàn ông đều biết chính xác anh ta bướng bỉnh như thế nào. Hãy đi vào trong nhà đi và đừng có quấy rầy chúng tôi”.

Do đó chúng tôi tiếp tục ngồi và kéo, mối hy vọng của chúng tôi luân phiên trồi lên và trụt xuống. Trong khi đó, màn đêm đã buông xuống, mọi vật bị sương mù bao phủ, các con gái của chú đã đi ngủ và vợ ông mệt mỏi vì lo lắng cho chúng tôi. “Vào buổi tối thì tốt hơn”, chú tôi nói, “không ai can thiệp”.

Quả thực là một đêm tuyệt vời. Yên tĩnh. Và ấm áp. Các vì sao lấp lánh trên không trung. Toàn thế giới đang ngủ, và khó có ai trên toàn thế giới biết rằng vào lúc ấy, ở một nơi nào đó trên một cái sân ẩm ướt vì sương giá, một vấn đề nghiêm trọng được đặt ra: ai bướng bỉnh hơn, cháu hay chú.

Đêm trôi đi, sao phai nhạt dần và mặt trời mọc lên, người ta thức giấc và vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải đáp. “Chúng ta sẽ không ngồi đây cho đến khi một trong chúng ta thắng”, chú tôi nói.

Do đó chúng tôi tiếp tục kéo. Một ngày khác trôi qua. Một đêm khác trôi qua. Vợ của chú mệt mỏi về việc phàn nàn chúng tôi, các con gái chú đã đi học, râu của chú mọc ra. Mùa hè sắp kết thúc, những cơn gió mùa thu bắt đầu trỗi lên, lá rụng khỏi cây, và chúng tôi vẫn còn ngồi giữa sân kéo cây hoàn diệp liễu. Rồi thình lình giọng của tôi bắt đầu vỡ ra: một công việc tốt mà tôi chưa đột phá!

Một buổi sáng mùa thu lạnh cóng, tôi hỏi bằng một cái giọng bass khàn khàn: “Này ông già, có mệt không vậy?”. Chú tôi giật mình. “Mày phải đi xuống phố để làm chứng minh thư của mày. Chúng ta phải chấm dứt chuyện này”. “Cháu sẽ không đi bất cứ đâu cho đến khi nào cháu đã làm chú nhúc nhích”. “Nói như một người đàn ông”, chú tôi nói. Chúng tôi tiếp tục kéo. Với tất cả sức lực của chúng tôi. Bướng bỉnh không phải là trò chơi của trẻ con.

Ngày trôi đi. Chim én và chim sáo sậu bắt đầu bay về phía nam, theo sau chúng là bọn chim hạc. Rồi mưa kéo đến. Mưa trút xuống từ sáng đến tối. Trút suốt đêm. Và chúng tôi vẫn còn kéo.

Vài tuần lễ sau, thím đi đến chúng tôi. “Nếu không ngưng việc này lại, tôi sẽ gọi cảnh sát trật tự đến giúp đỡ”. “Tại sao?”, chú tôi trả lời “Bộ bà không tự chất củi vào trong lò được à?”. Rồi thì cơn tuyết đầu tiên rơi xuống. Bắt đầu băng giá. Vì một vài lý do, việc này khiến chúng tôi lo lắng: mọi thứ dường như bị nới ra một chút, và chúng tôi bắt đầu kéo và trì mạnh hết sức mình.

Sau cùng, một ngày nọ thím tôi đi ra ngoài cổng. “Nào các ông! Ngày hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ”, bà nói. “Chúng ta hãy dừng việc kéo co lại”, chú tôi nói, “Chúng ta phải quyết định xem năm nay ai là người thắng cuộc”. “Ô kê”, tôi nói. Chú ra lệnh, “Một… hai… kéo!”. Chúng tôi ráng sức kéo mạnh và cố gắng nhiều đến nỗi tuyết ở chung quanh chúng tôi tan chảy ra và sương giá rơi từ trên cây xuống.

Chú vẫn tiếp tục ra lệnh, “Một… hai, kéo!”. Thình lình có sự im lặng. Rồi thì có một tiếng rắc yếu ớt và chúng tôi ngã nhào đi. Chúng tôi đứng dậy. “Chú có thể chọn một thứ cây cứng cáp hơn”, tôi nói. “Cái cây hoàn diệp liễu tồi tệ này!”, chú tôi nói. Đoạn ông đặt tay lên vai tôi, “Mày sẽ đạt tới một điều gì đó”, ông tuyên bố. “Xin chào chú”, tôi nói.

Chúng tôi đi vào nhà, nơi những cây nến đang thắp sáng trên cây thông và các con gái của chú đang ca hát. Thời tiết đẹp đẽ và ấm cúng, y như thể nó thường là thế khi bạn có dịp đến thăm bà con thân tộc.

Juri Tuulin (Estonia)

Vĩnh Hiền
(Dịch từ Tạp chí Văn học Xô Viết, 1989 )

;
.
.
.
.
.