.

Cha con tôi

.

Tháng 7, 1954

Sau Hiệp định Genève, các đơn vị bộ đội khu 5 tập trung về đóng quân gần cảng Quy Nhơn, chuẩn bị xuống tàu tập kết ra Bắc.

Sắp đi xa nhà mà không được về phép, trừ một số gần nhà, có thể tranh thủ vài hôm.

Và mỗi lần có đứa về thăm nhà lên, cả bọn châu lại hỏi đủ thứ chuyện, để mà... thèm. Còn tôi ước gì chỉ được về nhà một chặp, thể nào cũng được mẹ cho ăn cao lầu và được ôm chầm lấy cha, hít một hơi thật dài cái mùi nồng nồng trầu thuốc của ông già ghiền trầu pha lẫn mùi hăng hăng mùn cưa dăm bào một đời thợ mộc, cái mùi thơm thân thuộc trên người cha tôi chỉ riêng tôi nhận biết, đã tẩm ướp cả tuổi thơ tôi ở cái làng mộc Kim Bồng ven thị Hội An.

Nhưng thèm mấy cũng phải chịu: Nhà tôi đang nằm sâu trong vùng địch xa hàng ba bốn trăm cây số chứ có gần gặn gì!

Bỗng một buổi sáng, trong khi tôi đang cắm cúi dán khẩu hiệu thì có tiếng ai khàn khàn, vừa quen vừa lạ sau lưng:

- Đây có phải là Tuyên huấn 84 ...?

Tôi giật mình quay lại. Trước mặt tôi là một ông lão chống gậy, vai mang túi vải, quần áo nhàu nhò bụi bặm. Cụ từ từ lấy cái nón lá xuống, một gương mặt già nua, hốc hác, râu tóc bạc phơ nhìn sững vào tôi. Trời đất ơi, tôi chỉ kịp kêu "Ba!" và gần như cùng một lúc cha con tôi đổ vào nhau. Toàn thân cha tôi run lên bần bật, người ôm chặt lấy tôi, ngực nấc liên hồi rồi hôn lấy hôn để lên mặt, lên cổ tôi, những giọt nước mắt của cha tôi chảy sang người tôi nóng hổi. Tôi đỡ lấy cha tôi và hỏi gấp:

- Chứ làm sao mà ba tìm được tới đây?

Như không hề nghe tôi hỏi, cha tôi nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi khẽ kêu như một tiếng rên:

- Chứ răng mà ốm nha ốm nhách ri con?

Đồng đội tôi và bà con địa phương thấy cảnh cha con tôi gặp nhau như vậy đều xúc động.

Tối hôm đó, khi hai cha con đã nằm bên nhau, cha tôi mới thủ thỉ:

- Mẹ con cứ can: ông già rồi, đường thì xa, thời buổi loạn lạc, biết con ở đâu mà tìm, khác gì xuống biển mò kim! Cha cãi: Bà nói chơi? Hắn là hòn máu của mình, máu đi tìm máu răng không gặp?! Tỉ như mình cầm cục nam châm rà vào đống dăm bào, rà riết rồi cũng tìm được cây đinh. Con nghe ba nói có đúng không?

Tôi im lặng siết chặt lấy cha tôi, cổ cứ tắc nghẹn, sống mũi cay xè, kìm lắm mới khỏi bật khóc "Ôi cha tôi ... ".

- Vậy chứ ba "rà" con bằng cách nào mà tài?

- Dễ ợt! Nằm đò dọc một đêm từ Hội An vào An Tân. Lên đường cái quan cứ nhắm vào Quảng Ngãi mà bước. Vừa đi vừa hỏi, cứ nhè mấy chú có tướng học trò như con: "Này cháu, có học Lê Khiết không?". Hỏi 10 đứa, 9 đứa lắc, được một đứa gật, nhưng lại không biết con. Lại đi, lại hỏi.

- Trời! Ba thấy chưa, đúng là đáy biển mò kim rồi ba ơi!

- Đâu có! Vào quá Quảng Ngãi, ba gặp một đứa biết con đi bộ đội nhưng lại không biết con ở đâu. Rứa là tốt rồi, từ đây ba cứ hỏi bộ đội, nhắm đứa nào mặt mũi sáng láng là chụp hỏi. May quá, gần tới Tam Quan gặp một thằng, ba mới đem tên con ra hỏi hắn đã bồng đứng ba lên xuýt xoa rối rít như được gặp cha hắn: "Cháu là bạn thân của hắn, cùng vào bộ đội một lần". Rồi hắn bày ba cứ nhớ chữ "Tuyên huấn 84" mà hỏi. Ba nghĩ bụng chắc là gần được rồi. Nào ngờ, khi nghe ba hỏi, chẳng chú nào nói, cứ nhìn ba rồi bỏ đi. Có một chú nói với ba: "Bác hỏi thế ai mà nói, "3 không" mà". À, rứa là ba biết rồi, bọn trẻ nó nhát, sợ kỷ luật, đúng không? Thì tau chơi cách khác. Gặp một anh đeo "giò heo" bên hông đi xe đạp, ba hỏi ào. Anh ta vặn lại ba:

- Chứ bác hỏi Tuyên huấn 84 làm gì?

- Nè anh chỉ huy nghi tôi hả? Vậy xin anh làm ơn... bắt tôi rồi giải về chỗ đó thử có con trai tôi không?

- Con bác tên gì?

- Hắn là thằng Phát, trước học trường Lê Khiết...

- À! Phát Quảng Nôm rồi? Anh ta cười lớn rồi mời ba lên xe đèo thẳng về đây. Rứa là chín ngày xuống tốt một bước lên xe.

- Trời, cộng lại ba đi bộ đến mười ngày à? Rồi ăn uống, ngủ nghê ra sao, cực quá !

- Phải đi bộ mới hỏi được chứ, cứ ngày đi, đêm nghỉ. Ăn có quán, ngủ vào nhà dân. Nghe nói ba từ Hội An vào tìm con mà không biết con ở đâu ai cũng thương, có nhà còn đãi cơm rượu, mời ngủ phản giữa, sướng bắt chết, cực chi? Chỉ có một đêm trăng thanh gió mát, đang vui chân cứ đi miết, đang buồn ngủ, ba sà vào một cái miếu thổ thần đánh một giấc tới sáng.

Ngủ miếu ba không sợ à?

Đã là thổ thần bao giờ cũng phò hộ cho người lương thiện, sợ gì?

Kể xong hành trình đi bộ qua ba tỉnh tìm tôi, chẳng mấy chốc tiếng ngáy đã đều đều, sau 10 ngày dầu dãi, chắc cha tôi mệt lắm.

Ở chơi ba hôm, cha tôi đòi về. Cha tôi bảo: Trong lúc đi đường, cha tôi chỉ ước gặp được tôi là nhìn một cái rồi cho xuống tàu đi mô cũng được. Giờ đã ở được mấy ngày. Ba phải về để mẹ khỏi trông. Nói đoạn, cha tôi móc túi đặt vào giữa lòng bàn tay tôi một chiếc nhẫn: "Vàng thiệt đấy". Lần đầu tiên trong đời, tôi được cầm vàng trong tay. Đây là thứ vàng chưng cất từ mồ hôi của cha tôi không thiệt sao được. Nhưng cha mẹ tôi đã già, anh em tôi lại tiếp tục đi xa... Thấy tôi chần chừ, cha tôi gập mấy ngón tay tôi vào chiếc nhẫn, bảo: "Cho con lận lưng để cưới vợ, nhớ kiếm một đứa kha khá dắt về cho ba mẹ có cháu nội hỉ".

Sáng hôm đó, tôi đưa cha tôi ra bến xe Phù Cát. Xe ô-tô khách hồi đó chạy bằng than. Chiếc nào cũng cõng sau lưng một thùng than to tướng trông như một quả bom tấn, khách ngồi cuối xe rất nóng. Anh tài thấy cha tôi tuổi tác, cố mời lên ngồi trên, nhưng cha tôi khăng khăng đòi ngồi ghế cuối. Đến khi xe lăn bánh, tôi thấy gương mặt cha tôi hiện ra trong gương cửa kính rồi xa dần, mờ dần sau làn khói xe và bụi đường mù mịt. Năm đó, cha tôi 67 tuổi.

Tháng 3-1975

Đà Nẵng giải phóng được dăm hôm, cơ quan tôi được lệnh hạ sơn về tiếp quản. Vừa ra khỏi núi, nhìn xuống đồng bằng thấy bát ngát cờ, những lá cờ bao năm qua đỏ ngầm trong lòng dân, nay thả sức tung bay trong gió, rực đỏ lên dưới ánh mặt trời. Đời tôi chưa bao giờ thấy một màu đỏ đỏ đến thế.

Chạm quốc lộ, ngoặc ra hướng Bắc. Xe chạy ngược lại dòng thác người. Từ các trại tập trung, các nơi lánh nạn trở về quê: Bồng con bế cháu, mang vác đủ thứ, mặt mày phừng phừng xúc động, đi như chạy. Không thể có quyển tự điển nào định nghĩa hai chữ "giải phóng" đầy đủ được như thế. Xe chạy đến đâu rạo rực đến đó. Theo kế hoạch, cơ quan tôi chưa ra Đà Nẵng ngay mà tạm về Hội An, rứa là tôi sắp được về nhà rồi. Đến Vĩnh Điện trời sập tối. Trong đêm, tôi vẫn nhận rõ từng nơi thân thuộc. Đây là ngã ba cống Ông Đá, rẽ vào Phú Chiêm, ngày nhỏ được ngồi xe kéo về ngoại với mẹ. Qua Thanh Hà, ngửi thấy mùi đất chín từ các lò gốm cứ nôn nao cả người. Và trường tổng đây rồi, nhớ những năm sơ học yếu lược, không biết thầy giáo Thăng của tôi có còn không. Và đây: quán cơm nơi các phu xe ngày trước thường gác gọng xe chờ khách, từ đây chỉ nhảy mấy bước là đến nhà tôi. Tim đập dồn dập, máu rần rật khắp người, cổ nghẹn đắng, người như phát sốt.

Đêm đó tôi cứ muốn bay ngay về nhà. Nhưng chưa được phép, đành nằm chong mắt chờ sáng. Mới tờ mờ, tôi đập nhẹ anh bạn nằm cạnh. Anh cũng không ngủ, giọng tỉnh rụi " Biết rồi, dọt lẹ đi, để mình nói với các ổng cho".

Chạy đến đầu xóm, gặp một bà cụ đi chợ sớm, tôi hổn hển hỏi:

- Bác ơi, nhà ông Hiên còn ai không? Bà ta nhìn tôi rồi hỏi lớn:

- Mi đó hả Cương? Chú mất lâu rồi em ơi, thím còn... Rồi bật khóc.

Tôi như muốn khuỵu xuống. Chỉ có người trong nhà mới gọi tên móc nôi của tôi như thế. Té ra đây là bà chị họ tôi mà đã già như thế này đây.

Chị bỏ buổi chợ đưa tôi về nhà. Vừa bước vào cửa tôi thấy đứa cháu tôi đang lúi húi quét dọn bàn thờ, nghe tiếng khóc của chị tôi, hắn ném chổi la lớn:

- Chú Bảy về đấy hả? Hôm nay giỗ nội đây chú ơi...

Tôi giật mình, sững sờ! Thế là không bao giờ tôi còn được gặp cha tôi nữa. Mẹ tôi nghe thấy, run lập cập từ nhà bếp lên, chắp tay vái lia lịa lên bàn thờ cha tôi:

- Mô Phật! Ba con linh quá, đúng ngày kỵ, ông gọi con về đấy con ơi... Rồi mẹ tôi ôm tôi khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc, dường như tất cả cay đắng suốt hai mươi năm trời cứ tan thành nước mắt ràn rụa chảy, ràn rụa chảy.

Chẳng mấy chốc, cả họ, cả xóm túa đến, ai cũng cố chen vào để được nhìn thấy tôi, được ôm tôi, cầm tay tôi... rồi khóc, rồi cười. Rồi hỏi đủ thứ chuyện...

Tôi đang chiêm bao giữa lúc đang thức: thì như mới hôm qua đây thôi, cha tôi lặn lội vào Quy Nhơn tìm tôi mà sáng nay
thì... thế này đây... Quả là một màn ảo thuật lạ lùng của lịch sử.

Ngày hôm đó, cả nhà tôi quây quần trước bàn thờ cha tôi. Cỗ bàn chẳng có gì nhiều nhưng tình cảm thì đầy ắp. Thương cha tôi quá: Mong đợi bao năm, nay con về thì cha chẳng còn! Chị gái tôi kể: Những ngày trở bệnh nặng, cha tôi cứ bảo đưa ghế ra ngoài hiên cho cha ngồi, rồi nhìn bụi tre trước cổng nói một mình "Ai nói tre già măng mọc? Tre sắp rụi rồi mà có mụt măng nào mọc đâu, hay là nó thành tre thành trúc ở xứ mô rồi?!".

Tôi vội thắp ba nén nhang, lầm rầm khấn: "Cha ơi, anh em con là măng mọc từ máu của cha mẹ, hai chục năm qua nhờ cách mạng, đã lớn thành tre nhưng gốc vẫn bám chặt vào mảnh đất này...".

Chiều hôm đó tôi theo anh họ tôi ra thăm mộ cha. Sống sao thác vậy, cha tôi nằm dưới nắm đất bó gạch đơn sơ, cỏ đầu hạ đã úa vàng, tấm bia nhỏ khắc sơ sài họ tên, năm sinh, năm mất. Anh họ tôi nói như phân trần: Ngày đó ai cũng muốn khắc tên hai chú vào bia cho mát mẻ vong linh ông già nhưng không dám - gia đình tập kết như nhà mình chúng nó bu bám dữ lắm. Tôi thắp hương rồi quỳ sụp trước mộ cha tôi rất lâu. Nghe văng vẳng giọng nói khàn khàn quen thuộc của cha tôi: "Hay là tre mọc ở xứ mô rồi..." mà lòng đau như cắt. Cho đến lúc hoàng hôn đã xuống sẫm trên nghĩa địa, tôi ngước lên
thì... thật lạ lùng: chập chờn sau làn khói mỏng, tôi thấy hiển hiện khuôn mặt Người, đúng như gương mặt cha tôi nhìn tôi lần cuối qua ô cửa kính của chiếc xe khách chạy than hai mươi năm về trước.

Tháng 3-2010

Phạm Phát

;
.
.
.
.
.