Chợ Bồ Quân
* Ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) quê tôi có một cái chợ được gọi nhiều tên như: Bồn Quân, Bồ Quân, Bừng Quân, Mừng Quân, Hồng Quân... xin cho biết tên gọi nào là đúng? (Nguyễn Văn Hùng, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
- Những tên gọi nói trên là những cách gọi khác nhau về một loại trái cây vỏ màu tím thẫm, vị ngọt pha chát, có nhiều hạt nhỏ và mềm nên khi ăn nuốt luôn hạt. Khi đem bán, người ta xâu trái này vào que tre dài khoảng một gang tay.
Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam quốc âm tự vị gọi trái đó là mồng quân và giảng: “thứ cây có nhiều gai, có trái tròn mà nhỏ, người ta hay ăn, trái nó chín đỏ đen như màu huân cho nên cũng kêu là hồng huân...”. Theo chúng tôi, có lẽ do phát âm của người miền Nam không phân biệt âm h và âm qu nên hồng huân dần dần đã biến thành hồng quân.
Tuy nhiên, tên gọi của loại cây này hiện được từ điển ghi nhận là bồ quân, như Từ điển trực tuyến http://tratu.vn giải thích là: “cây nhỡ, thân có gai mập, lá hình trái xoan, có răng khía, quả chín màu đỏ tím, ăn vị hơi chua” (ảnh). Trong dân gian, nói về người phụ nữ có nước da bánh mật hay nước da màu như trái bồ quân, có câu “Da bồ quân, cởi/tụt quần không kịp”.
Nói thêm, có truyền thuyết giải thích tên gọi bồ quân như sau:
Khi Bình Định Vương Lê Lợi bị quân Minh vây tại rừng Chí Linh, lương hết, nghĩa quân sức mòn, lực kiệt. May đâu, trong rừng có bạt ngàn một loại trái cây chín mọng, nghĩa quân bèn hái xuống, vò vò cho mềm rồi ăn rất ngọt. Nhờ đó, nghĩa quân lấy lại sức lực, phá vỡ vòng vây, chạy thoát về Chi Lăng. Vua Lê Lợi nhớ ơn cây này nên đặt cho tên là Bồ quân, có nghĩa là trái cây giúp quân no lòng đuổi giặc. Cũng có người kể khác đoạn kết, rằng vua đặt tên trái là Phù quân, nghĩa là giúp vua và quân quan thoát nạn.
Quay lại với vấn đề đang bàn, gọi tên chợ Bồ Quân là đúng, như cách gọi của quận Cẩm Lệ trong bài “Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ I (năm 2006-2008) trên lĩnh vực Thương mai - Dịch vụ” đăng trên trang thông tin điện tử của quận http://www.camle.danang.gov.vn.
Tông xuyệc tông
* Bài “Nữ sinh Sài Gòn đua nhau cắt váy khoe... cá tính” đăng trên VietNamNet [22:15, Thứ Năm, 1-4-2010 (GMT+7)] có đoạn: Còn nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai “xì-tin” với đôi giày và chiếc váy màu tím “tông-xiệc-tông”. Xin cho biết, “tông-xiệc-tông” là phiên âm từ tiếng nước nào và nghĩa ra sao? (Hoàng Văn Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Đúng ra phải phiên âm là “tông xuyệc tông” (một số tài liệu còn phiên âm sai thành tông xiệt tông hoặc tông xuyệt tông), bởi từ gốc tiếng Pháp là ton sur ton, với ton nghĩa là sắc (màu). Ví dụ: Bức tranh này chủ đạo là tông vàng.
“Tông xuyệc tông” là một cách phối màu thẩm mỹ trong kiến trúc, hội họa..., phổ biến nhất là trong thời trang, theo nguyên tắc màu đậm đi với màu nhạt hơn tí chút và ngược lại. Bài viết “Kết hợp trang phục màu tối cho chàng” đăng trên http://tuoitre.vn/ [Thứ ba, 5-1-2010, 17:45 (GMT+7)] đã đưa ra một trang phục “tông xuyệc tông” như sau:
“Chọn một chi tiết chủ đạo với gam màu trầm, rồi lựa chọn các chi tiết phụ kiện đi kèm cùng gam màu nhưng đậm hơn hoặc nhạt hơn một chút so với chi tiết chủ đạo.
Ví dụ nếu chọn bộ comple màu lông chuột làm điểm nhấn thì bạn có thể kết hợp với cravat cùng màu, sơmi màu ghi xám, giày đen và tất đen tím than. Chàng chắc chắn sẽ rất tự hào vì gu thẩm mỹ tinh tế của bạn”.
ĐNCT