.

Khán giả trở lại rạp phim

.

(ĐNĐT) - Khán giả thành phố Đà Nẵng đã trở lại với loại hình giải trí xem phim rạp từng “vang bóng một thời”. Thay đổi cho phù hợp với xu thế chung chính là cách tự cứu mình của những rạp chiếu bóng.

Rạp luôn sáng đèn

Ông Vương Thế Phong, quản lý cụm rạp Megastar tại Đà Nẵng phân tích diễn biến của lượng khách đến với Megastar trong năm 2009 rất hào hứng.

Đông đúc khán giả đến rạp xem phim vào các ngày cuối tuần

Tháng 7-2009, sau tròn một năm có mặt tại Đà Nẵng, Megastar đã tăng gấp đôi lượng khách đến rạp so với tháng 7-2008. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã khiến cho lượng khách đến rạp trong cả năm 2009 không cao. Quý 4/2009, lượng khách đến Megastar có dấu hiệu phục hồi và thật sự trở lại từ quý I/2010.

Còn tại rạp Lê Độ thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng thành phố Đà Nẵng (TTPHP&CB), ông Nguyễn Ba, Giám đốc trung tâm, cho biết lượng khách đến rạp trong năm 2009 đạt 120.000 lượt, tăng 20.000 lượt so với năm 2008, với nguồn thu từ vé khấm khá như năm 2009, trung tâm có thể chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên tốt hơn. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2010, lượng khán giả tăng từ 60 – 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với mục đích phục vụ tuyên truyền, TTPHP&CB đang hi vọng năm 2010 với nhiều dịp lễ trọng đại và các tuần phim chuyên đề sẽ thu hút nhiều khán giả đến rạp hơn nữa, trong đó đặc biệt các tuần lễ phim về Bác Hồ, tuần lễ phim Đức, phim Ấn Độ…

Còn từ 7-4, với sự ra mắt của "Clash of the Titans" (Cuộc chiến của các vị thần), Megastar đang ấp ủ một loạt “vũ khí hạng nặng” chuẩn bị cho mùa phim hè, phim “bom tấn”. Tháng 4, “các vị thần” làm chủ màn ảnh rộng, một tháng sau đó, 7-5, "Iron Man" (Người sắt) phần II sẽ ra mắt khán giả Việt Nam. Thừa thắng xông lên, ông Vương Thế Phong khẳng định, giới mộ điệu điện ảnh Việt Nam sẽ được thưởng thức "Iron Man" phần II trước cả…khán giả Mỹ, nơi “Người sắt” xuất xưởng.

Tháng 7-2010, “Nhật thực”, tức phần tiếp theo của serie phim ăn khách "Twilight " (Chạng vạng) và "New moon"  (Trăng non) sẽ gây ra cơn sốt với các teen…

Thay đổi để tồn tại

Tuy nhiên, trong khi rạp Lê Độ cùng rạp Megastar khá sôi động, thì rạp phim tại Siêu thị Bài Thơ cũng như Cinezen hoạt động cầm chừng, trong lúc rạp A (350 ghế) của Fafilm Việt Nam tại Đà Nẵng (đường Quang Trung) lâu nay đã chuyển đổi thành quán bi-da.

Thay đổi tích cực của các rạp giúp khán giả có nhiều lựa chọn khi xem phim

Ông Nguyễn Ba nhận định, để trở lại thời hoàng kim của phim rạp, hiện nay các rạp chiếu bóng trên địa bàn thành phố phải nghĩ ra nhiều phương thức hoạt động phù hợp hơn để tồn tại.

Tại rạp Lê Độ, TTPHP&CB TP nhắm đến phục vụ những đối tượng khán giả cụ thể, hạ giá thành với mục đích tuyên truyền là chủ yếu. Những đợt phim “Điện ảnh học đường”, mùa phim hè dành cho thiếu nhi hay phim cổ động, tuyên truyền đã thu hút hàng ngàn lượt cán bộ y tế, công an, biên phòng đến rạp. “Chúng tôi còn ký hợp đồng với các đơn vị để đưa phim, máy chiếu đến tận cơ sở, chúng tôi chấp nhận cả những mức giá chiếu phim dịch vụ rất thấp, vì mục đích chính của TTPHP&CB TP là tuyên truyền, sau đó mới tính chuyện lời lỗ”, ông Nguyễn Ba cho biết.

Rõ ràng, với mức giá 1.500.000 đồng/buổi chiếu phim “Đừng đốt” phục vụ 1.000 cán bộ chiến sĩ ở Hội trường Công an thành phố Đà Nẵng, thì mỗi khán giả chỉ mất hơn 1.000 đồng. Bằng cách làm như vậy, thay vì phủ bụi trong kho lưu trữ, những bộ phim “Đừng đốt” , “Hoài vũ trắng”, “Đảo cần có anh”, “Ông Mười Khôi” ... đã đến được với công chúng.

Tuy nhiên, “làm chơi” vậy mà “ăn thiệt”, TTPHP&CB lấy số lượng khán giả làm lời. Ông Ba ví von, “mới làm quý I/2010, TTPHP&CB đã có thể lo lương nửa năm cho anh em”.

Đội quân cộng tác viên là những sinh viên “thầu rạp” góp phần đưa một lượng lớn khán giả đến với rạp. Những buổi chiếu trước 17 giờ hằng ngày, TTPHP&CB sẵn sàng cho các bạn sinh viên “thầu rạp” với giá 1.500.000 đồng/suất/180 vé. Rõ ràng, nếu bán với giá 15.000 đồng/vé (bằng ½ giá vé chính thức), sinh viên đã có thể kiếm lời và rạp lại có thêm khán giả.

Không thể áp dụng hình thức “khoán” rạp như TTPHP&CB, nhưng Megastar lại có cách hút khách riêng, ngoài kinh phí đầu tư hơn 3 triệu USD cho cụm rạp 6 phòng chiếu của Megastar Đà Nẵng, rạp phim này còn có mức kinh phí dành cho PR, quảng cáo ngất ngưỡng. Đối với những phim mới xuất xưởng của Holywood, Megastar đặt mua độc quyền phát hành tại Việt Nam để khán giả có thể thưởng thức những bộ phim mới gần như cùng lúc với thế giới, như siêu phẩm "Avatar" đoạt 3 giải Oscar 2010. Sau khi công chiếu thời gian dài mới bán lại cho các rạp phim khác.

Megastar Đà Nẵng có quy mô đầu tư tương đương các rạp phim hiện đại ở hai đầu đất nước, nhưng hiện nay giá vé chỉ bằng 2/3. Và tháng 6 tới đây, khi công nghệ chiếu phim 3D có mặt tại Megastar Đà Nẵng, cụm rạp này cũng đang tính toán mức giá phù hợp với khán giả Đà Nẵng.

80% khán giả đến rạp Megastar là giới trẻ, đích nhắm của Megastar là những teen còn được gia đình chu cấp hoặc giới trẻ đã kiếm ra tiền. Megastar đang tham vọng biến nơi đây trở thành một điểm hẹn văn hóa, giải trí của giới trẻ. “Đó không chỉ là nơi giới trẻ thưởng thức phim mà còn để thể hiện mình với những style riêng biệt”, ông Vương nói.

Lưu Thủy

;
.
.
.
.
.