.

Nghĩa trủng Phước Ninh "vươn" ra mặt tiền

.

(ĐNĐT) - Việc mở đường Nguyễn Văn Linh nối dài đã đưa Nghĩa trủng Phước Ninh "vươn" ra mặt tiền. Hai lối vào từ đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Thúc Kháng được lát đá cẩm thạch; cả khuôn viên trở thành một công viên nhỏ với cây xanh, thảm cỏ, đèn chiếu sáng mỹ thuật, ghế đá cho người dân và du khách vãng cảnh sau khi dâng hương…

Còn mãi với thời gian

Nhân cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế diễn ra cách đây non chục ngày, đoạn từ vòng xoay Nguyễn Văn Linh – Hoàng Diệu đến bờ Tây sông Hàn rộng thênh thang trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài đã chính thức đón hàng ngàn du khách sau khi hạ cánh ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng đi thẳng một mạch đến nơi thưởng lãm những màn pháo hoa rực rỡ.

Khu di tích Nghĩa trủng Phước Ninh trên đường Nguyễn Văn Linh nối dài

Trong khi mặt bằng để khai thác quỹ đất và bố trí tái định cho người dân vẫn còn bề bộn thì có một khuôn viên rộng rãi, khang trang ở ngay mặt tiền của một tuyến đường tiền tỷ lại được dành cho một mái đình ẩn dưới bóng cây bồ đề cổ thụ, che tấm bia đá khắc toàn chữ Hán không còn sắc nét theo thời gian.

Ướm thử bằng bước chân sải dài chừng 1m: hơn 25 bước ở mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Văn Linh, thêm 25 bước nữa ở mặt tiền hướng ra đường Huỳnh Thúc Kháng. Các sàn giao dịch bất động sản cho biết, hiện mỗi lô đất mặt tiền trên tuyến đường này có giá khoảng 8 tỷ đồng (mỗi lô 5m mặt tiền và 25m chiều sâu). Như vậy, nếu chia lô thì khuôn viên này xấp xỉ 5 - 6 lô, nghĩa là xấp xỉ… 40 - 48 tỷ đồng. Và với vị trí hai mặt tiền thì chắc chắn giá trị còn cao gấp bội.

Nói là nói vậy, chứ không thể nào đem vị trí mặt tiền đó ra so sánh với khuôn viên này. Bởi đây là Di tích Nghĩa trủng Phước Ninh, nơi quy tụ hơn 1.500 nấm mộ chôn cất chiến sĩ, đồng bào Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định hy sinh ở mặt trận Đà Nẵng giai đoạn 1858 – 1860 trong cuộc chiến đấu chống quân Pháp ngay từ khi nổ những phát súng xâm lược đầu tiên vào cửa Hàn.

Tại đây, có tấm bia bằng đá sa thạch, cao 1,2m, rộng 0,8m ghi công ơn các anh hùng liệt sĩ cùng mộ phần của hai vị tướng, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận ngày 16-11-1988 và gắn bia di tích ngày 25-8-1998.

Bia đá ghi công các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong buổi đầu chống quân Pháp xâm lược cách đây hơn 140 năm

Khi xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Nguyễn Tri Phương, các nấm mộ được di dời lên Nghĩa trủng Khuê Trung, riêng mái đình, tấm bia cùng mộ của hai vị tướng vẫn giữ nguyên tại chỗ. Nhưng do nằm chìm khuất sau nhà thi đấu to đồ sộ nên ngoại trừ số ít người am hiểu, phần lớn người dân Đà Nẵng và du khách, nhất là lớp trẻ, không biết về di tích này; hoặc có thấy thì cũng chỉ nghĩ là am miếu thờ cúng gì đó mà thôi.
 
Đến khi giải tỏa Trung tâm TDTT Nguyễn Tri Phương, nhiều người lo lắng những dấu tích cuối cùng của di tích Nghĩa trủng Phước Ninh cũng sẽ bị giải tỏa theo. Tâm tư vướng mắc, nhưng chỉ biết thở dài.

Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Nhưng rồi nhiều người thấy mình nhầm. Không chỉ vẫn giữ nguyên vị trí mà di tích này còn thoát khỏi cảnh “chìm khuất”, hiện diện ngời ngời ở mặt tiền. Dưới bóng cây cổ thụ uy nghiêm, mái đình được nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn nguyên vẹn nét cổ xưa. Hai lối vào từ đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Thúc Kháng được lát đá cẩm thạch. Cả khuôn viên trở thành một công viên nhỏ với cây xanh, thảm cỏ, đèn chiếu sáng mỹ thuật, ghế đá cho người dân và du khách vãng cảnh sau khi dâng hương…

Gạch nối giữa quá khứ hào hùng và hiện tại phát triển

Trong ống kính của chúng tôi, thấp thoáng sau mái đình là bóng dáng đồ sộ của tòa cao ốc HAGL Plaza Hotel nằm trên cùng tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Một hình ảnh tự thân nó đã cho thấy sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại trên một trục đường đánh dấu sự phát triển của Đà Nẵng “bay” qua sông và hướng mạnh ra biển. Trong khi dành đất cho những công trình như tòa cao ốc HAGL Plaza Hotel thì Đà Nẵng vẫn ưu tiên những vị trí xứng đáng cho những di tích như Nghĩa trủng Phước Ninh!

Nhiều người vào thăm di tích rất muốn dâng một nén hương nhưng thật tiếc, ở đây lại không có sẵn hương. Lần theo những dòng chữ trên tấm bia di tích và bia mộ của hai vị tướng, nhiều người lại thêm một lần tiếc nuối vì không biết chữ Hán. Chợt thấy hơi buồn vì những tấm bia này đã quá mòn mỏi theo năm tháng, chữ còn chữ mất, có tấm bia thậm chí đã bị nứt, ố vàng.

Giá mà bia mộ của hai vị tướng trong khu di tích Nghĩa trủng Phước Ninh được chăm chút hơn...

Đứng từ xa nhìn vào, khu di tích tuy không thật quy mô nhưng khá trang nhã, thanh tịnh bên dòng đời đang hối hả tuôn theo trục đường mới mở. Chợt lại tự hỏi, nếu không biết Nghĩa trủng Phước Ninh là gì, nếu không biết trước rằng đây là Khu di tích Nghĩa trủng Phước Ninh… thì làm sao người dân và du khách có thể hiểu được giá trị của khu di tích này?

Giá mà ở đây có biển tên di tích, giá mà ở đây có một tấm bảng dịch nghĩa các dòng chữ Hán trên bia đá, giá mà các dòng chữ trên các tấm bia được chăm chút, sửa sang hơn cho bớt nhạt nhòa… thì có lẽ sự ưu tiên mà Đà Nẵng dành cho khu di tích ghi dấu công ơn của những chiến sĩ, đồng bào đã vị quốc vong thân trong buổi đầu chống Pháp từ cách đây hơn 140 năm sẽ càng trọn vẹn hơn nữa!
 
Cẩm An

;
.
.
.
.
.