.

Nhà Gươl trước “nguy cơ” hiện đại hóa

.

Văn hóa dân tộc Cơtu nói chung, nhà Gươl của người Cơtu nói riêng là một trong những bộ phận cấu thành tạo nên một “Nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, nguy cơ hiện đại hóa nhà Gươl của đồng bào Cơtu tại các xã phía Tây của thành phố Đà Nẵng đang là mối đe dọa  không còn giữ được nhà Gươl truyền thống - biểu tượng văn hóa cao nhất của người Cơtu.

Nhà Gươl - biểu tượng văn hóa cao nhất của người Cơtu

Nhà Gươl- biểu tượng văn hóa tinh thần cao nhất của người Cơ tu đang dần dần bị bê tông hóa. 

Gươl của người Cơtu không phải là nhà ở mà mang chức năng công cộng như đình làng của người Kinh. Nhà Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng…, nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới (Chaha Roo Tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-Ngoót), Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối AVí)…

Nhà Gươl được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng, tất cả các buôn làng người Cơtu dù giàu hay nghèo đều có Gươl. Nhà Gươl là nơi để những thanh niên Cơtu chưa vợ, những người già hằng đêm đến ngủ. Theo quan niệm của người Cơtu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến Gươl. Trong Gươl, mọi người không được cãi nhau, đánh nhau… mà luôn đoàn kết, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơtu.

Nguy cơ hiện đại hóa nhà Gươl

Trong những năm qua, nhà Gươl ở các xã miền núi của thành phố đã được đầu tư, khôi phục, tạo điều kiện cho đồng bào có nơi sinh hoạt, duy trì và phát triển những nét đẹp văn hóa của mình. Tuy nhiên, việc khôi phục hiện nay đã có sự pha trộn với kiểu kiến trúc mới có tính hiện đại, nhiều nhà Gươl sau khi được khôi phục lại đã không còn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc truyền thống. Kết cấu khung, sườn, mái nhà, sàn... xuất hiện nhiều mô-típ, họa tiết mới, không đại diện cho quan niệm thẩm mỹ, không phản ánh được trình độ nhận thức cũng như tín ngưỡng tâm linh của tộc người Cơtu...

Ông Đinh Văn Trí (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) - người dân tộc Cơtu cho biết, kiểu nhà Gươl truyền thống của người Cơtu đã bị biến dạng và có nguy cơ hiện đại hóa bởi khi đầu tư, khôi phục, không có sự nghiên cứu một cách bài bản, cặn kẽ để trùng tu, sửa chữa bằng những vật liệu từ núi rừng, mang hơi thở truyền thống mà lại thay vào đó là bê-tông, sắt, thép, là sơn, ốc vít... làm cho tiện và nhanh hơn so với đục đẽo, khoan mộng! Chính vì thế, kiểu nhà Gươl truyền thống và những tác phẩm tạo hình đầy tính bản địa, hoang dã của người Cơtu đã có từ bao đời nay có nguy cơ mai một. Ngoài ra, số nghệ nhân ở các làng Cơtu cũng ngày một ít đi, dẫn đến không có người để đảm nhận việc thiết kế, trang trí… cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nét văn hóa độc đáo của người Cơtu mai một dần..

Thiết nghĩ, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa không chỉ là vật chất, tiền của…, mà điều quan trọng là giữ gìn được cái hồn của nền văn hóa đó, mà nhà Gươl ở Hòa Phú là một ví dụ.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.