Sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, địch phản kích dữ dội, tình hình rất khó khăn, ở trên núi nhiều tháng dài thật sự là đói. Tôi nhớ hồi ấy anh Trần Kiên, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 5, nổi tiếng là người thuộc lòng từng hóc núi Trường Sơn, lùng sục mãi mới tìm ra được vài cái kho cũ còn chứa một ít bắp.
Ba tháng sau, lại thấy anh trở vào chiến trường với hàm răng mới, hùng hồn tuyên bố: "Tớ đã có răng rồi, còn có thể đánh nhau 10 năm, 20 năm, không sợ gì nữa! Lần này tớ thách chúng nó!"... Ngày ấy, vì bất cứ lý do gì, bỏ chiến trường lui về hậu phương, đều bị coi, và chính người bỏ ra đi cũng tự coi là bỏ cuộc giữa lúc gay go gian khó nhất, rất đáng xấu hổ. Chúng ta đã trụ vững trước cuộc phản kích điên cuồng của Mỹ sau Mậu Thân, cả bằng những "sự tích anh hùng" cụ thể và tưởng chừng nhỏ nhặt như thế đó!...
Và những ngày gian nan quyết liệt ấy vậy mà lại là những ngày rất thanh thản và rất vui. Mỗi chúng tôi đều còn có khối kỷ niệm vui về thời ấy, những người còn sống gặp nhau bao giờ cũng cùng nhau ôn lại và thật sự hạnh phúc vì đã từng được trải qua một thời không thể quên. Tôi chỉ xin kể hầu các bạn hai mẩu chuyện nhỏ, chuyện "Cục xương voi", và chuyện "Nồi xôi dép".
... Một hôm anh Nguyễn Chí Trung đi công tác đâu đó về, làm thế nào mà xin được ba lon gạo, suốt đường leo núi chỉ ăn toàn rau rừng, nhất quyết để dành ba lon gạo quý hơn vàng ấy mang về cho anh em đang đói lã ở nhà. Anh Phương Yên, bấy giờ là thủ trưởng đơn vị ra lệnh: Cho hết vào ruột nghé, treo lên giàn bếp, cấm không ai được động đến khi chưa có lệnh! Và anh treo võng nằm ngay gần đấy để canh giữ. Hằng ngày chúng tôi ăn rau rừng, mỗi lần cố nuốt lại nhìn chăm chăm lên cái ruột nghé kia... cho đỡ thèm! Trong đơn vị có Thu Bồn là một anh chàng rất giỏi tán. Thu Bồn, tất nhiên được sự thỏa thuận ngầm của tất cả anh em, ra sức tán suốt một tuần, cuối cùng xiêu lòng được thủ trưởng Phương Yên, anh hạ lệnh: Cho lấy đúng một lon nấu cháo... Nhưng mà ăn cháo trắng thì cũng buồn nhỉ! Thu Bồn lại tán.
Một người phát hiện làng đồng bào dân tộc ở gần chỗ chúng tôi có một số cục xương voi người ta ăn thịt đã lâu nhưng xương thì bà con còn giữ lại trong nhà, liền phái anh Như Cảnh đem một muỗng muối ra đổi. Như Cảnh đi một buổi, mang về được một cục xương voi to bằng hai nắm tay đã khô rang nhưng nhìn thật kỹ xem ra vẫn còn một ít thịt sót lại sâu trong các kẽ. Chúng tôi được một trận cháo xương voi, như Thu Bồn khen, "bổ đến tỉnh cả người!". Ăn xong, đem cục xương đã nấu đến cạn kiệt ấy vứt ra bụi cây ven suối, nơi, xin lỗi các bạn đọc, đêm đêm lười chúng tôi vẫn thường ra đi tiểu ở đấy... Một tuần sau, lại đói cồn cào, lại thèm. Thu Bồn lại phải trổ tài lần nữa, và lần này nữa anh ta lại "hạ gục" được thủ trưởng Phương Yên. Lon gạo thứ hai được trịnh trọng tháo ra khỏi ruột nghé, nồi cháo lại được bắc lên trước sự háo hức của mọi người. Nhưng... chẳng lẽ chịu ăn cháo suông? Như Cảnh liền có ý kiến: Cục xương voi đã vứt đi hôm trước, mình xem ra vẫn còn... mỡ trong các kẽ đấy. Và cũng còn có thể có tủy bên trong, xương voi nhiều tủy lắm ... - Nhưng mà... cái chỗ ấy bọn mình vẫn thường ra đi tiểu hằng đêm? - Thì có sao đâu, ta đem rửa thật sạch là xong... - Đồng ý!!! Mọi người tán thành. Chúng tôi được một nồi cháo thứ hai, và quả đúng như Như Cảnh nói, cháo vẫn có một chút mùi vị mỡ, hay là tủy voi. Có người thì cười: Mùi ngầy ngậy, các vị cứ tự đoán là mùi gì đi!...
Một tuần nữa qua, lần này Thu Bồn cẩn thận hơn, anh kiên trì để cho đến đúng 10 ngày. Và lại bắt đầu cuộc tán tỉnh. Và thủ trưởng Phương Yên lại bị hạ gục - tất nhiên còn vì chính anh cũng đói đến vàng mắt rồi. Lon gạo thứ ba, lon gạo quý cuối cùng được cẩn thận tháo ra, đổ vào nồi. Và lần này nữa, vẫn Như Cảnh: Anh cam đoan trong cục xương voi đem vứt ra cái bụi cây hôi rình kia, chắc chắn chưa hoàn toàn hết mỡ đâu. Vả lại, ăn cháo suông thì chán chết!... Cục xương lại được lượm vào, rửa sạch, bỏ vào nồi. Như Cảnh vừa húp cháo vừa tấm tắc: Thấy chưa, nhìn kỹ coi, vẫn còn chất mỡ đây này!... Lần này thì anh Phương Yên kiên quyết ra lệnh: Đem cục xương ra chỗ thác kia, vứt xuống cho mất tăm hẳn đi, để đấy thì rồi thế nào cũng còn moi vào nấu nữa!...
Như Cảnh cận thị rất nặng, đeo kính dày cộm. Một lần anh đi công tác mang về được mấy lon nếp. Thật là một tin vui chấn động. Công tác chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho cuộc nấu xôi "lịch sử". Tất nhiên là nấu về đêm, và đêm thì hồi bấy giờ phải hết sức hạn chế ánh sáng, chúng tôi đã mấy lần ăn bom B52 vì sơ hở đèn đuốc rồi. Lại Thu Bồn ra tay. Anh cực kỳ tháo vát và là tay đầu bếp có tiếng. Nồi xôi trên bếp bắc xuống, nóng hôi hổi, trịnh trọng đặt ngay trên nền đất, giữa nhà. Vừa lúc Như Cảnh loay hoay đi đâu đó, tính anh vẫn thế, rất nhiệt tình mà cũng rất lụp chụp, không biết anh định đi đâu, anh lại cận thị nặng quá, đèn đuốc thì hết sức lem nhem, có nhìn thấy gì đâu, anh phăng phăng bước đi và... giẫm luôn cả một chiếc dép vào chính giữa nồi xôi! Không ai bảo ai, nhưng bằng một phản xạ tự nhiên kỳ lạ, tất cả chúng tôi đồng thanh hét lên: "Đứng im! Đứng im!". Bởi vì nếu Như Cảnh rút chân ra thì chiếc dép của anh sẽ bôi cả nồi xôi lấm lem nhoe nhét, coi như vứt hết đi luôn. Mặc nồi xôi đang nóng hổi, đến bỏng cả chân, Như Cảnh vẫn rất anh hùng đứng im không nhúc nhích. Và anh em chúng tôi, người cầm muỗng, người cầm dao, hết sức cẩn trọng, chúng tôi khoét quanh sát chiếc dép và chân Cảnh, ra sức cứu nồi xôi đến mức tối đa có thể... Sau đó anh em lấy mật ong - của tỉnh đội Bình Định gửi cho Quân khu, Quân khu phân lại cho mỗi đơn vị chúng tôi một ít - bôi bàn chân đã đỏ ửng vì bỏng xôi của Như Cảnh...
... Như Cảnh bây giờ vẫn ở Đà Nẵng, đường Lê Lợi, bên dưới ngã tư Lý Tự Trọng một ít. Cách đây mấy năm anh bị tai biến, nay đã gượng dậy được. Buổi chiều mát, anh thường ra ngồi ở chỗ nhà chờ xe buýt trước cổng nhìn người qua lại. Mỗi lần về Đà Nẵng tôi cũng thường đến ngồi đấy với anh. Chúng tôi nhắc lại cùng nhau những kỷ niệm xưa, những đồng đội xưa, nay chẳng còn mấy. Lê Văn Ba, Thu Bồn, cả anh Phương Yên đều đã mất... Nhưng tự trong sâu xa nhất của cuộc đời mỗi chúng tôi, cái thời gian nan mà rất đẹp, quá đẹp ấy thì không bao giờ có thể mất. Cảnh bảo: Hồi ấy sao chúng mình sống thanh thản thế nhỉ! Thậm chí chúng nó đánh ác liệt thế, chúng mình phải chạy liên tục, vậy mà chính lúc đó cậu đã viết xong tập I tiểu thuyết Đất Quảng. Ôm bản thảo vừa chạy vừa viết, tài thế... Tôi bảo: Cảnh biết không, bây giờ mình viết khó và chậm hơn nhiều... Thế đấy, cuộc đời...
Nguyên Ngọc