Thời bao cấp nghèo thiếu, những người làm công tác văn hóa ai cũng mơ ước có đủ các thiết chế (cơ sở vật chất) để hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa. Đúng, đó là những điều kiện tối thiểu, đầu tiên, không có nó khó có thể hoạt động được.Không có biểu diễn nghệ thuật chính quy nếu không có nhà hát, chỉ có sân khấu ngoài trời. Không có chiếu phim đúng chuẩn nếu không có rạp, chỉ có bãi cỏ xanh, v.v…
Một tiết mục tuồng của học sinh Đà Nẵng công diễn trước khán giả. Ảnh: VĂN NỞ |
Chúng ta từ đó thêm một lần nữa ngộ ra cái quyết định là con người, người quản lý, vận hành-người quản trò-các thiết chế đó và cả những người tham dự vào các hoạt động văn hóa đó có khi chỉ là những trò chơi, những cuộc giải trí đơn giản. Đầu tư xây dựng các thiết chế là rất quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, người có trọng trách phải cân nhắc nên dành ngân sách cho phần xác hay phần hồn.
Nhưng xin các bậc có trọng trách chớ vội nghĩ là mình đã quyết định đầu tư và việc đầu tư hoàn thành là đã tròn trách nhiệm. “Tôi giao cho các anh cơ sở vật chất ngon lành như vậy đó, khai thác, phát huy, hoạt động như thế nào là việc của các anh”. Có những thiết chế tự thân nó đã là một công trình văn hóa. Một nhà hát, một phòng hòa nhạc, ngay khi không có hoạt động biểu diễn vẫn thu hút khách tham quan. Người ta đến để chiêm ngưỡng một tác phẩm kiến trúc, một bích họa hay một phù điêu.
Chúng ta khó có thể yêu cầu các thiết chế văn hóa của mình thuộc đẳng cấp ấy. Nhưng chúng ta cần nhận rõ thiết chế văn hóa là tài sản của nhân dân, là nơi người dân đến thực hiện quyền làm chủ văn hóa của mình một cách bình đẳng (dù giá vé vào cửa có thể làm cho sự bình đẳng ấy chưa trọn vẹn). Đó là bộ mặt của một địa phương, một quốc gia, nơi kết tụ những tinh hoa của một vùng, một đất nước, là công trình của muôn đời sau.
Các thiết chế ấy phải được đặt ở những nơi đẹp nhất, có mặt bằng rộng rãi hơn hết và được tôn lên nhờ những bãi cỏ, vườn cây, hồ nước. Đương nhiên, các thiết chế này được định vị trong quy hoạch thành phố và nếu chưa xây dựng (hoặc chỉ xây dựng một phần) thì hãy dành nơi đó cho việc trồng cây tạo mảng xanh cho thành phố.
Thiết kế các công trình này là công việc khó khăn, phức tạp, làm thế nào để nó có thể là niềm tự hào của địa phương, thể hiện được những thành tựu xây dựng hiện đại, lại đậm đà bản sắc dân tộc, mang dấu ấn của thành phố; Điều rất đáng chú ý là không vì thành phố mình là đô thị loại 1 cấp quốc gia hay (sẽ) là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng (miền) mà phải có đủ các thiết chế và thiết chế nào cũng phải quy mô ở mức có thể được vào Guiness.
Cần có sự nghiên cứu chỉn chu, dự báo khoa học về nhu cầu phát triển đời sống văn hóa của cư dân trong tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, những đặc điểm của thành phố để liệu tính danh mục các công trình, tầm cỡ từng công trình, thứ tự ưu tiên và lịch trình triển khai. Không vì ai có cái gì thì mình phải có cái ấy và cái của mình phải hoành tráng hơn.
Có những công trình thời gian để xây ngôi nhà (cái vỏ) có thể chỉ dăm ba năm, nhưng để thiết chế ấy sống và hoạt động hữu hiệu thì phải mấy chục năm. Đà Nẵng có ý tưởng và quyết tâm xây Bảo tàng Mỹ thuật. Ý tưởng này rất hay (tiếc rằng hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không), nhưng để có một Bảo tàng Mỹ thuật đúng với ý nghĩa của nó thì 20 rồi 50 năm chuẩn bị cũng không phải là dài.
Vấn đề sinh tử đối với các thiết chế văn hóa là hoạt động hữu hiệu của nó, là mối quan hệ giữa hoạt động của nó với nhịp sống của thành phố. Một bảo tàng thưa vắng khách tham quan nghiên cứu (đáng chú ý là thưa vắng khách sinh viên, học sinh, lớp trẻ).Một rạp hát, một nhà biểu diễn ít có đêm sáng đèn và những người quản lý ở đó phải tính đến việc nhận đặt tiệc cưới để cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên, đó là những bi kịch không ai mong đợi. Nhưng đó là sự thật và chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật.
Có lần tôi được các bạn Liên Xô cho đi thăm một tượng đài chiến thắng. Hôm ấy trời rất lạnh, tuyết phủ trắng xóa các cánh đồng và khá dày trên đường, chúng tôi đến bên tượng một chiến sĩ Hồng quân đứng uy nghiêm. Tuyết ngập gần hết đế tượng. Nhưng ngay nơi đôi bàn chân anh đầy tuyết trắng, có ai đến trước chúng tôi không lâu đặt ba bông cẩm chướng đỏ thắm. Ra về tôi nhớ mãi màu đỏ như màu cờ của mấy bông hoa và tôi tin rằng sau chúng tôi sẽ có nhiều người đến với anh.
Một đôi vợ chồng cựu chiến binh Mỹ đã già đưa chúng tôi đi thăm thủ đô Washington. Hôm đó xuống buffet ăn sáng thấy chỉ có bà vợ. Hỏi ra được biết ông ấy đã dậy rất sớm đến các bảo tàng dự định mời chúng tôi đi thăm mua trước vé vào cửa, vì chúng tôi có ít thời gian mà lại muốn thăm nhiều nơi. Chúng tôi đến bảo tàng nào cũng đông khách nhưng rất trật tự, ai cũng chăm chú xem với vẻ thích thú rõ trên gương mặt.
Trong nhiều năm làm công tác văn hóa, nhớ về những kỷ niệm ấy, tôi chỉ mong sao công chúng của mình được như những người ấy, thật hồn nhiên, thầm lặng tham gia vào đời sống văn hóa như một lẽ thường trên đời, dù gia đình họ có lẽ chưa khi nào được bình chọn gắn biển là gia đình văn hóa.
Văn hóa là hoạt động đặc hữu của con người và chỉ có con người mới có hoạt động văn hóa. Thiết chế dù nguy nga tráng lệ đến đâu vẫn không là gì cả, nếu không có người đến xem, đến nghe, đến đọc, đến để cảm nhận và rung động, thưởng thức và sáng tạo. Chính công chúng là lý do tồn tại của thiết chế.
Để giữ gìn cho muôn đời sau nghệ thuật tuồng, một tinh hoa di sản của dân tộc, chúng ta đã đầu tư xây Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chúng ta còn quan tâm đầu tư xây dựng một dàn diễn viên có nghề và yêu nghề. Như thế vẫn chưa đủ, chúng ta còn được hỗ trợ bằng một chương trình sân khấu học đường do Bộ Văn hóa chủ trì đưa tuồng vào 6 trường phổ thông cơ sở có sự đầu tư mỗi trường cả trăm triệu đồng. Chương trình đã gặt hái những kết quả ban đầu, vun đắp nơi thế hệ trẻ tình yêu nghệ thuật dân tộc để có thể làm nẩy nở những tài năng nghệ thuật là lực lượng thực hiện điều mà Hồ Chủ tịch đã dạy “Nghệ thuật tuồng quý lắm, phải cố giữ gìn, nhưng không được dậm chân tại chỗ, cũng chớ để gieo vừng ra ngô”.
Và cũng là để có một lớp khán giả trẻ mới mê say và sành điệu của nghệ thuật tuồng, những khán giả làm nên điều quyết định đối với số phận Nhà hát Tuồng.
Nguyễn Đình An