(ĐNĐT) - Với một vị trí hết sức thuận lợi và thơ mộng, nhưng vài năm qua Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (TVKHTH) đã xuống cấp trầm trọng, không những ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn của thư viện mà còn ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc.
Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng nằm trên đường Bạch Đằng, gần bờ sông Hàn thơ mộng... |
Với diện tích trên 7.000m2, gồm 9 phòng phục vụ (trong đó có hai phòng ghép là địa chí và tra cứu chung một phòng, người khiếm thị và góc thông tin ngân hàng thế giới một phòng), mỗi ngày TVKHTH phục vụ từ 250-300 lượt bạn đọc trực tiếp và hàng ngàn lượt bạn đọc mượn về nhà.
Ông Hà Xuân Đào, Giám đốc TVKHTH, cho biết: Thư viện được thành lập từ năm 1975, trước đây thư viện đóng tại địa chỉ 2A Phan Chu Trinh nhưng từ tháng 12-1989 được dời về 46 Bạch Đằng cho đến nay.
Nơi đây trước đây không phải là thư viện mà là trụ sở Trung tâm văn hóa của Pháp xây dựng, sau khi giải phóng được chính quyền cách mạng tiếp quản và sửa chữa thành một nhà khách của Trung ương và đến năm 1989 được bố trí làm thư viện.
Mặc dù có vị trí hết sức lý tưởng với mặt tiền là con sông Hàn thơ mộng và đường Bạch Đằng, tuy nhiên chức năng dành cho thư viện không phù hợp vì cơ sở vật chất không mang tính chuyên nghiệp, thậm chí chắp vá để phục vụ cho bạn đọc. Ông Hà Xuân Đào cho biết, những khu nhà này không có chức năng thư viện nên phòng ốc phân tán, không phù hợp với hoạt động liên hoàn của thư viện. Với sự phát triển của thư viện hiện nay nên cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu.
Hiện vốn sách của thư viện lên đến 160 ngàn bảng theo danh mục đăng ký và gần 300 loại báo, tạp chí cùng 10 máy tính nối mạng để phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, hằng năm lượng sách bổ sung từ 5-6 ngàn bảng, trong đó có khoảng từ 2 - 2.500 tên sách. Theo ông Đào, lượng sách bổ sung rất lớn hằng năm nhưng kho giá để đựng sách không tăng nên gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chứa đựng, bảo quản và phục vụ.
... nhưng hiện nay đã bị xuống cấp, sách bó lại từng bó |
Với số lượng sách lớn như thế nhưng cơ sở vật chất không thể mở rộng nên sách đành phải bó lại từng bó để trên giá. Vì thế, bạn đọc khi tìm được danh mục đến khi lấy được sách phải toát mồ hôi. “Nguồn tri thức đáng lẽ đem ra phục vụ cho bạn đọc nhưng buộc phải bó lại để đó và càng không thể thanh lý bớt”, ông Đào băn khoăn, rồi ông nói: “Sách cứ để đó khi nào có cơ ngơi đàng hoàng sẽ đem ra phục vụ bạn đọc”.
“Vấn đề bảo quản hiện nay chỉ làm thủ công chứ không thể áp dụng khoa học kỹ thuật vào như trang bị máy lạnh hay máy hút ẩm”, ông Đào cho biết và dẫn chúng tôi đi khắp các kho sách nhưng tuyệt nhiên không có kho sách nào có máy lạnh hay máy hút ẩm... để bảo quản sách báo. Không những thế, nhiều phòng bảo quản của thư viện hiện đã xuống cấp nặng, nước thấm dột tạo thành rêu mốc bám đầy trên tường, nhiều chỗ đến mùa mưa là bị dột...
Đối với các kho sách chật chội là thế, còn với phòng đọc trực tiếp cũng không khá hơn. Hiện phòng đọc lớn nhất của thư viện chỉ chứa được khoảng 100 người, còn các phòng khác chứa không quá 50 người. Vào mùa cao điểm như mùa hè hay mùa thi, nhiều bạn đọc đến dù có thẻ nhưng cũng không thể tìm đâu ra chỗ ngồi đành phải về.
Ông Đào cho biết, cách đây vài năm, lãnh đạo thư viện có xin cơi nới để đủ chỗ đựng sách và phục vụ bạn đọc nhưng thành phố Đà Nẵng có chủ trương di chuyển thư viện đến địa điểm mới nên thư viện hiện nay cứ để nguyên trạng.
Phương án thiết kế thư viện mới đã được chọn nhưng không biết đến khi nào thi công và đưa vào sử dụng |
Tháng 7-2009, thành phố Đà Nẵng cũng đã thống nhất chọn phương án thiết kế của công ty Winter Group (liên doanh Úc-Việt Nam) để tiếp tục nghiên cứu nâng cao. Địa điểm được chọn để xây thư viện mới là phía sau tượng đài đường 2-9 trên diện tích 3ha, vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, quy mô 1 tầng hầm và 3 tầng lầu. Tuy nhiên, đến nay việc tiến hành xây dựng thư viện mới vẫn giậm chân tại chỗ.
Một thư viện khoa học tổng hợp bị xuống cấp như thế là không xứng tầm và không thể phục vụ tốt bạn đọc. Theo chúng tôi, thành phố Đà Nẵng nên nhanh chóng tiến hành xây dựng thư viện mới theo đề án đã được phê duyệt. Còn nếu không, nên cho nâng cấp, sửa chữa lại thư viện hiện nay để nơi đây xứng đáng là địa chỉ cung cấp kiến thức và nguồn tri thức cho công chúng.
Thanh Bình