.

Bỏ quên mái đình

.

Dù đi ngược về xuôi, đời sống có hiện đại tới đâu, người ta vẫn phải “ngả nón trông đình” vì đình là nhà, là đầu, là linh hồn của làng xóm. Nhưng nhiều mái đình thiêng với đầy đủ giá trị văn hóa - lịch sử đang bị lãng quên trong đổ nát, trong những nỗ lực gìn giữ khá yếu ớt của cư dân địa phương.

Không ai còn nhận ra đây từng là một ngôi đình (đình Hưởng Phước, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). 

Cái tàn tạ, cái rệu rã

Không ai có thể nhận ra hình hài của đình Hưởng Phước vốn từng là linh hồn của làng Hưởng Phước, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Hơn 2/3 mái ngói đã trút hết xuống đất, còn lại bộ giàn gỗ rách bươm ngổn ngang được góp thêm sự tàn tạ bằng những tấm nilon phủ phía trên cũng nát bét không kém. Bức tường ở mặt trước của đình đã đổ ập, để lộ khung cảnh phía trong đình với những lư hương, ngói vỡ trộn lẫn giữa các bức tường, hàng cột xiêu vẹo và sắp mục ruỗng. Xung quanh đình cỏ mọc um tùm cao ngang lưng người. Ông Trần Cước, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn buồn rầu ví ngôi đình như “hàm răng rụng”. Xót xa lắm vì cả làng chỉ có mỗi mái đình chung, mà cứ sau mỗi trận thiên tai, đình lại càng èo uột.

Âm linh làng biển Tân Trà, phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn trốc hết mái, bên cạnh là lăng Ông cũng xuống cấp từng ngày. 

Trong đám đổ nát của những ngôi nhà được đập bỏ vì nằm trong vùng dự án, quần thể lăng Ông - âm linh - miếu xóm gần 200 năm tuổi ở làng chài Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cũng có nguy cơ đổ vỡ theo thời gian. Lăng Ông, nơi tập trung gần 40 xác cá Ông, chốn sinh hoạt chung của các làng chài dọc biển đã không giữ được vẻ bí hiểm và linh khí xa xưa. Cửa lăng đã không còn, bốn bức tường rêu phong, rạn nứt, có chỗ bong tróc, bể ra lộ cả màu gạch đỏ; các quách đựng cốt cá Ông cũng bị mối mọt, bụi bặm làm cho không còn nguyên vẹn. Cạnh đó, âm linh đã bị trốc hết mái, chỉ còn trơ 3 bức tường, mấy cây cột và bàn hương. Sự tấn công của những hàng cỏ gai, xương rồng càng làm cho quần thể này thêm điêu tàn.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều di tích đang xuống cấp ở Đà Nẵng. Điều đáng nói, báo chí đã lên tiếng bảo vệ những di tích này từ lâu, nhưng tình hình lại ngày một tồi tệ. Bên cạnh những ngôi đình được bảo tồn cực kỳ tốt do bàn tay của cư dân và chính quyền địa phương, thì rất nhiều nơi đang bị lãng quên, để cỏ mọc um tùm, che mất lối đi. Thậm chí, đình Thần Nông làng Phong Lệ, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang còn bị chắn bởi một ngôi trường cấp 2, và ai muốn vào đình cũng phải đi vòng qua xin phép nhà trường.

Ai giữ mái đình?

Thiếu sự quan tâm của các cơ quan quản lý, nhiều mái đình thiêng chỉ tồn tại trong nỗ lực gìn giữ của người dân địa phương. Theo ông Ngô Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ thôn Phong Nam, người nặng lòng với những di sản và cổ vật của làng, việc tổ chức thường xuyên các lễ hội cũng là một cách giữ cho đình ấm hơi người. Ông nói: “Cách đây mấy năm, dân làng có quyên góp được 10 triệu đồng để sửa sang lại đình Thần Nông. Giờ đây, có một người chuyên lo hương khói cho đình. Hằng năm vào các ngày rằm lớn hoặc lễ, Tết, làng đều cúng bái đàng hoàng”.

Bất chấp sự sốt ruột của dân làng, đình Hưởng Phước mỗi ngày một đổ nát. Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay, sau khi hồ sơ thiết kế một ngôi đình mới dựa trên nguyên bản hoàn thành, UBND xã lập dự toán, làm tờ trình gửi UBND thành phố và làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xin phép trùng tu. “Nếu được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí, chúng tôi sẽ nỗ lực kêu gọi nguồn hỗ trợ từ huyện Hòa Vang, từ nhân dân, bà con ở xa, khai thác quỹ đất... Ước tính chi phí làm đình mới vào khoảng 750 triệu đồng”, ông Thu chia sẻ.

Được chính quyền quan tâm thì còn đỡ, nhiều di tích khác như quần thể lăng Ông - âm linh - miếu xóm như chúng tôi đề cập ở trên sắp sửa chìm vào quên lãng. Ông  Lê Văn Bảy, người sống ở làng chài hơn 50 năm nay cho hay: “Một mai dân ở đây tái định cư hết, chắc không còn ai hương khói. Biết đâu chút di tích tàn này cũng mất luôn”. Lăng điêu tàn, những ngày hội họp đông vui để cầu cho sóng yên biển lặng và nối kết tình làng nghĩa xóm của người dân biển chỉ còn là một viễn tượng. Một cán bộ thuộc Bảo tàng Đà Nẵng nhận xét: “Nhiều xã, phường hiện nay chưa thấy hết được các giá trị văn hóa của đình, đền, miếu, nên ít quan tâm. Công trình nào có dân lui tới sinh hoạt còn đỡ, nếu không rất mau hư hỏng. Phường, xã phải là cơ quan bảo vệ di tích trước tiên, và phải kịp báo cáo với chúng tôi những hiện trạng di tích ở địa phương mình”.

Trong tâm thức của người Đà Nẵng, dù đời sống có hiện đại tới đâu, mái đình vẫn là “Nhà chung” quan trọng, nơi sinh hoạt tâm linh và thờ cúng những bậc tiền hiền, thành hoàng làng, và việc tồn tại hay không một mái đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của thôn xóm. Nhưng nếu các cơ quan chức năng bỏ quên mái đình, thì liệu, bằng những nỗ lực của người dân, số phận nhiều mái đình thiêng sẽ ra sao?

T.S Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng: “Cấp sổ đỏ cho di tích”

Các cấp quản lý phải điều tra nghiêm túc và có bản đồ, hồ sơ khoanh vùng, tiến hành cấp sổ đỏ cho di tích theo lô, thửa để chống xâm hại di tích trước tình hình nhiều di tích xuống cấp trầm trọng như hiện nay.

Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang: “Có đình, người dân sống vui hơn”

Trong nhiều năm qua, nhân dân xã Hòa Liên đã tiến hành trùng tu 3 đình Tân Ninh, Trung Sơn, Vân Dương. Chúng tôi nhận thấy, sau khi đình mới được cất lên trên nền đình cũ, sức sống ở địa phương đó tràn trề hơn, quan hệ làng xóm trở nên thân thuộc, tinh thần người dân thoải mái hơn. Ở trong sân đình, những thế hệ cha chú truyền dạy lại văn hóa - lịch sử cho thanh-thiếu niên. Các  chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng được tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả hơn bao giờ hết từ những sân đình này. 


Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.