Đến thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, hỏi chuyện đình làng, miếu mạo, từ dân tới cán bộ xã, ai cũng chỉ: “Hỏi ông Ngô Văn Nghĩa, bí thư chi bộ thôn đó, ổng biết hết trơn”.
Làng mở hội, lòng vui như con trẻ
Ông Nghĩa ngồi soạn “đồ nghề” cho trẻ chăn trâu tham gia Lễ rước Mục đồng với gương mặt rạng ngời. |
Trong đám rước, khi các bậc lão làng lo chuyện hương khói, lễ nghi, cúng kính; ông đi vòng vòng “đạo diễn” lũ trẻ đứng cho ngay hàng thẳng lối, coi cái nón, bộ đồ chỉnh tề chưa. Chốc chốc, ông quay sang trò chuyện với trẻ con như bạn: “Tí đi lễ về, nhớ ở lại đình ăn gà nghe chưa! Làng sửa soạn cho bọn bây nhiều lắm!”. Các bô lão đọc Văn tế trong đình, ở ngoài sân, ông kể cho mục đồng nghe lịch sử mái đình và lễ hội.
Vì bảo trẻ con là măng quý, nên cửa nhà ông lúc nào cũng sẵn sàng mở cho các cô cậu nhỏ tíu tít chạy vào. Hễ trẻ con muốn nghe chuyện về đình, ông sẵn sàng bỏ các cuộc hẹn khác, và ngồi cả buổi giải đáp những câu hỏi hồn nhiên. Ông nói rằng: “Già mến trẻ, thì trẻ mới kính già”. Bởi vậy, chuyện gìn giữ văn hóa làng, với ông, không chỉ là chuyện của người lớn, mà làm sao “kéo” trẻ con vào đó càng nhiều càng tốt. Khi thì kể chuyện, lúc dọn mâm cơm thiệt ngon giữa sân đình, kêu gọi các trường trong khu vực đưa lễ hội, đình làng vào trong các cuộc thi ngoại khóa... là cách truyền đạt văn hóa của ông đến với thế hệ trẻ. Mai đây, các vị bô lão của làng ra đi, sẽ có những người trẻ hiểu và chuyên tâm gìn giữ lễ nghi, linh hồn cho ngôi làng cổ.
Tôn tạo mái đình xưa
Kể chuyện cho trẻ con nghe về lịch sử đình và lễ hội của làng trước Đình Thần Nông làng Phong Lệ. |
Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, ông là người đầu tiên của làng đi vận động mọi người lập lại miếu âm linh cổ vốn tồn tại từ mấy trăm năm trước. Lúc đó, ông đã gặp nhiều trở ngại từ địa phương, rồi sau đó, bằng những bằng chứng và “tình ngay, lý ngay” của mình, ông đã thuyết phục được các cán bộ xã rằng: “Đây là chốn nương náu của những người chết không tên, không gia đình, không quê quán. Dấu tích cũ của miếu âm linh cách đây 400-500 năm vẫn còn lại nền gạch và cây đa cổ thụ”. Miếu âm linh mới được xây đàng hoàng, khang trang giữa làng, sau gốc đa to, theo ông, không chỉ là thể hiện lòng nhân đạo, mà còn là điểm tựa tâm linh cho làng xóm.
Với chiếc máy ảnh cũ, ông Nghĩa chụp tất cả các khoảnh khắc lễ hội, đình đám của làng. |
Ông giúp học sinh bổ sung kiến thức về văn học dân gian, hỗ trợ sinh viên làm đề tài nghiên cứu về đình làng, góp phần vào việc tái hiện Lễ rước mục đồng, cung cấp thông tin cho báo chí viết bài, đưa tin, kêu gọi mọi người đóng góp sửa sang đình... Nhà thờ tiền hiền 17 chư phái tộc, nơi thờ tự các bậc khai canh, khai cư của làng, cũng nhờ sự góp sức, đôn đốc của ông mà luôn ấm cúng. Vậy mà ông vẫn không thấy mệt. Nhìn mái đình, miếu âm linh được sửa sang, tu bổ, ông rạng rỡ: “Tiền người ta cho mình bao nhiêu ăn cũng hết, nhưng lấy tiền làm đình thì đình không bao giờ mất”.
Như một kẻ “thổi tù và hàng tổng” giữa thời người ta phải xoay vần với biết bao lo toan, miếng cơm manh áo, ông lặng lẽ gìn giữ những gì đã làm nên dáng hình của một làng cổ yên bình tự thuở xa xưa.
Bài và ảnh: HẰNG VANG