.

Xem nghệ nhân Đông Sơn biểu diễn đúc trống đồng tại Đà Nẵng

.

(ĐNĐT) - 2 trong số 100 chiếc trống đồng dâng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được các nghệ nhân Đông Sơn (Thanh Hoá) đúc biểu diễn tại Đà Nẵng

Sau lễ khai mạc vào tối 19-5, khách tham quan đến với Festival “Làng nghề Việt 2010” (tổ chức tại Công viên 29-3, Đà Nẵng) sáng 20-5 đã được chứng kiến một hoạt động hết sức đặc sắc: Biểu diễn đúc 2 chiếc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn, trong dàn trống 100 chiếc dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Dàn trống đồng do các nghệ nhân Đông Sơn đúc

Tham gia biểu diễn có 2 tổ nghệ nhân (thuộc Liên chi hội di sản văn hóa Lam Kinh và Hội Cổ vật Thanh Hóa) đến từ xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn) do nghệ nhân Thiều Quang Tùng làm tổ trưởng, và từ phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) do nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn làm tổ trưởng, mỗi tổ 7 người. Đúng 9h sáng, lễ chập lò đã được tiến hành với nghi thức rước lửa thiêng từ nhà sàn Bác Hồ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Quân khu 5) về và kính cáo Thần Trống Đồng.

Ngay sau đó, các nghệ nhân bắt tay vào công đoạn nấu đồng, đúc trống. Theo nghệ nhân Thiều Quang Tùng, hai chiếc trống được đúc lần này thuộc cỡ trống trung, có đường kính mặt trống 60cm, chiều cao 48cm, mô phỏng theo kiểu dáng và hoa văn của trống đồng Ngọc Lũ. Mỗi chiếc trống cần khoảng 50 – 55kg đồng cùng một số kim loại khác như thiếc, chì, kẽm…

Dưới cái nắng gay gắt lên tới 37 - 38 độ, cộng thêm sức nóng tỏa ra các lò lửa bốc lên phừng phực khiến bầu không gian chung quanh cũng hầm hập như muốn bị nung chảy theo. Điều đó khiến công việc đúc trống vốn đã nặng nhọc lại càng vất vả hơn. Tuy vậy, các nghệ nhân vẫn làm việc rất hăng say với sự tập trung cao độ.

Không chỉ các nghệ nhân mà khách tham quan cũng chảy mồ hôi ròng ròng, nhưng đều rất chăm chú thưởng thức các công đoạn đúc trống với đầy vẻ ngưỡng mộ, vì với không ít người, đây là lần đầu tiên trong đời được chứng kiến tận mắt cảnh đúc chiếc trống đồng đã đi vào huyền thoại của dân tộc bằng những phương pháp thủ công đã có từ hàng ngàn năm trước.

Cuộc biểu diễn đúc trống diễn ra trong khoảng 120 phút, nhưng theo nghệ nhân Thiều Quang Tùng thì từ khâu làm khuôn đến khi hoàn thiện chiếc trống phải mất đến khoảng hai tháng, trong đó tốn nhiều thời gian nhất là khâu làm khuôn, chọn đồng và pha trộn nguyên liệu theo những tỷ lệ riêng để cho ra những âm sắc riêng biệt của mỗi chiếc trống trước khi đưa vào lò nung.

Nấu đồng

Sau đó đổ tro vào nồi đồng lỏng...

Và nén kỹ để giữ nhiệt, ngăn tạo thành màng mỏng trên bề mặt nồi đồng do tiếp xúc với nhiệt độ thấp ở bên ngoài. Đồng thời tro cũng sẽ hấp thụ xỉ đồng nổi lên trên, để khi đổ vào khuôn thì chỉ có đồng nguyên chất

Chuyển nối đồng tới nơi đặt khuôn đúc

Tổ của nghệ nhân Thiều Quang Tùng dùng ròng rọc để đưa nồi đồng lên...

... và đổ vào khuôn

Còn tổ của nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn dùng sức người đưa nồi đồng lên

và đổ vào khuôn

Sau vài phút, bắt đầu tháo dỡ đai gỗ bên ngoài khuôn đúc

Đục khuôn đúc bằng đất sét để lấy sản phẩm ra

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng cho hay, hiện có hơn 50 chiếc trống đồng trong dàn trống 100 chiếc dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được đúc xong. Dự kiến đến trung tuần tháng 8 thì công việc sẽ hoàn tất. 19 chiếc trong số này được đưa ra trưng bày tại Fetival “Làng nghề Việt 2010” để khách tham quan thưởng lãm. Đặc biệt trong đó có chiếc trống đại có đường kính mặt trống 100cm, cao 79cm, khắc hoạ 1.000 con rồng. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được vinh dự thưởng lãm chiếc trống này.

Chiếc trống đại khắc hoạ 1.000 con rồng
 
Và 19 trong số 50 chiếc trống đồng đã hoàn thiện, chuẩn bị dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đang được trưng bày tại Festival "Làng nghề Việt 2010"

Festival “Làng nghề Việt 2010” do Tạp chí chuyên đề Đô thị - Phát triển tổ chức có chủ đề “Hội tụ và phát triển” với sự tham gia của hơn 60 làng nghề truyền thống ở Bắc, Trung, Nam và trên 100 gian hàng thủ công mỹ nghệ. Trong 5 ngày (từ 19 đến 23-5) sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày, biểu diễn dệt thổ cẩm, dệt chiếu, làm gốm, chạm khắc gỗ, viết tặng thư pháp, trò chơi dân gian… Bên cạnh đó là hội thảo “Thực trạng và những giải pháp hỗ trợ kích cầu làng nghề Việt” và cuộc thi “tác giả, tác phẩm và các sản phẩm đặc trưng của làng nghề từng địa phương”.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.