.

Số hóa và các đặc tính của di sản

.

Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH-TT&DL) đã tổ chức Hội thảo “Số hóa và các đặc tính cơ bản của di sản” . Hội thảo đã nêu bật thực trạng công tác quản lý và bảo vệ hiện vật cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của số hóa và các đặc tính cơ bản của nó trong việc lưu giữ và bảo vệ di sản hiện nay.

Một hướng đi đúng

Làm sao để số hóa được một di sản sống như Hội An? 

Việc bảo tồn di sản ở Việt Nam nói riêng cũng như trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo tồn các di sản thế giới nói chung đang trở nên bức thiết. Di sản ở Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ phá hủy do môi trường tự nhiên, ý thức cộng đồng… Trước thực trạng đó, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho rằng: Số hóa phục vụ bảo tồn và phát triển là một hướng đi đúng, bởi theo ông, các mục tiêu, vai trò và lợi ích rất lớn lao của việc áp dụng kỹ thuật số trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn sẽ làm cho việc lưu giữ dữ liệu được chính xác, việc tìm kiếm dữ liệu để nghiên cứu hoặc quảng bá sẽ được thực hiện nhanh, đáp ứng kịp thời nhiều yêu cầu khác biệt. Ngoài ra, kho dữ liệu số hóa sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý hiện vật, di tích, di sản không chỉ trong việc bảo quản hiện vật hay trùng tu di tích, mà kể cả việc kiểm tra đối chiếu trong trường hợp hư hỏng hoặc mất mát.

Tuy nhiên, để thực hiện số hóa các đặc tính của di sản, cần phải có các yêu cầu khác nhau. Mỗi di sản đều có những đặc thù rất riêng. Phố cổ Hội An là một ví dụ. Nói đến Hội An không chỉ có kiến trúc của những ngôi nhà hàng trăm tuổi mà còn là đời sống sinh hoạt của người dân, nét văn hóa được truyền lại từ khi còn là thương cảng sầm uất nhất khu vực… Tất cả những yếu tố đó tạo nên linh hồn sống cho phố Hội. “Vậy làm sao để số hóa một di sản sống như Hội An”? - đó chính là lo ngại của ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An.

Hay di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, với những giá trị về địa chất, địa mạo (hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ  kỳ vĩ), về sự đa dạng sinh học (hơn 2.651 loài thực vật bậc cao, 735 loài động vật có xương sống, 369 loài côn trùng...), về văn hóa lịch sử (với đặc trưng văn hóa cổ xưa của các tộc người Bru-Vân Kiều, Rục, Sách, Mày, Arem và cả những địa danh lịch sử trong hai cuộc kháng chiến giữ nước...). Việc số hóa di sản này chắc chắn cần được thực hiện với nhiều hình thức, nhưng cần làm sao để đáp ứng được nhu cầu cho mọi đối tượng như: các nhà khoa học, nhà thám hiểm, sinh viên, học sinh, mọi tầng lớp du khách... Thạc sĩ Trương Thanh Khải - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và cứu hộ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã đặt ra yêu cầu.

Chỉ nên số hóa những gì đúng đắn và tin cậy

 “Số hóa và các đặc tính cơ bản của di sản” là một trong các chương trình nằm trong dự án “Hệ thống thông tin điện tử văn hóa - xã hội” do Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH-TT&DL) làm chủ đầu tư nhằm tổng hợp các nội dung khoa học cơ bản về di sản, chủ yếu là không gian di tích, làm cơ sở cho việc thực thi số hóa theo tiêu chí: chính xác, cụ thể, toàn diện và tôn nghiêm lịch sử nhằm hướng đến cập nhật và tích hợp các di sản nổi bật xây dựng một cổng thông tin văn hóa quốc gia. 

Bảo đảm chính xác những đặc tính của di sản bằng phương pháp số hóa là một hướng đi đúng, là sự cần thiết phải làm, tuy nhiên một số ý kiến tại hội thảo cũng đã chỉ ra rằng, chỉ nên số hóa những gì đúng đắn và đáng tin cậy. Họa sĩ Phan Bảo và chuyên gia Nguyễn Hữu Ngôn đến từ Thanh Hóa dẫn ra ví dụ từ di tích Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), hai chuyên gia này cho rằng, hiện những thông tin khoa học, thông tin tôn tạo vẫn chưa được kết luận và thậm chí gần như là ngược nhau, thế nhưng nhiều hạng mục ở khu di tích này vẫn được tôn tạo, phục dựng. Chương trình số hóa sẽ giúp quảng bá và lưu trữ những kết quả phân tích khoa học một cách tốt nhất. Tuy nhiên, trước thực trạng này thì di tích Lam Kinh sẽ được số hóa như thế nào?

Trước những ý kiến của các đại biểu, ông Mai Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, chủ trì Hội thảo và là chủ đầu tư dự án khẳng định: “Di sản không bao giờ chết cả, mà là sự tiếp nối. Do vậy cần tìm ra giá trị đích thực của di sản. Không thể duy ý chí, tùy tiện, mà cần phân tích chọn lọc rõ ràng khi tiến hành số hóa các di sản”. Chính vì sự phức tạp và đồ sộ của dự án nên để bảo đảm thành công, Ban Quản lý dự án sẽ chọn ra những chuyên gia giỏi, đại diện cho những vùng văn hóa, không kể người đó đang ở trong bộ máy hay ngoài bộ máy, miễn họ là các chuyên gia thực sự có tâm và có tài.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.