Từ “ăn” trong tiếng Việt cực kỳ lý thú, phản ánh quá trình nhận thức đặc biệt của người Việt về hiện tượng “ăn”. GS Hoàng Tuệ có một bài viết rất hay trên Tác phẩm mới (1973) liên quan đến từ “ăn”. Đây là một gợi ý quan trọng để tác giả viết bài này.
Hiểu được quy luật hình thành cách ghép từ “ăn” với những từ tưởng chẳng “ăn nhập” gì với nó sẽ giúp chúng ta dùng từ sao cho “ăn khớp”, “ăn ý”.
“Ăn” đâu chỉ là... ăn
Khởi thuỷ, “ăn” là một hành động của con người, được mở rộng dần dần theo cách lấy khuôn mẫu con người để nhận thức vũ trụ. Việt Nam tự điển (1931) của hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa: “ăn” là cắn, gặm, bỏ vào miệng nhai rồi nuốt đi. Loài vật cũng có hành động “ăn”. Có điều con rắn chỉ có nuốt con mồi. Con cóc, con thằn lằn chỉ tợp một cái là con mồi vào bụng chứ không “cắn, gặm, nhai”. Vậy cần hiểu lại từ “ăn” khái quát hơn cho phù hợp với cả loài vật. Từ điển tiếng Việt (1992) của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: “ăn” là tự cho vào cơ thể thức nuôi sống. Trong câu “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc” (tục ngữ), có thể hiểu “ăn giẻ, ăn hồ…” để nuôi sống. Nhưng người Việt còn có tục ăn trầu. Không ai nuốt trầu như Bill Gates khi tới thăm vùng quê quan họ, mà là nhai rồi nhả bã trầu…
Vậy thì trầu không phải là thức nuôi sống. Ca dao có câu “Cá không ăn muối cá ươn”. Cá nào có tự cho muối vào cơ thể. Nó bị con người rắc muối lên ướp để khỏi ươn, để tồn tại. Lại nữa, đồ vật cũng “ăn”: “Con tàu neo ở cảng ăn hàng”; “Chiếc môtô này chạy 100 cây số ăn hết hai lít xăng”. Động cơ xe máy, tàu thuỷ, máy bay… phải ăn xăng, ăn than mới chạy được, mới tồn tại được.
Khái quát tiếp: “ăn” là tiếp nhận chất để tồn tại. Thậm chí trong khái niệm “ăn”, người Việt không chú ý tới ăn chất gì. Thi hào Nguyễn Du lại cho ăn chất trừu tượng: “Nói lời rồi lại ăn lời như không”. Cũng chả ai nghĩ cho ăn đòn, ăn roi là để tồn tại. Chúng ta đi tới một khái quát cực kỳ quan trọng: “ăn” là sự tiếp nhận. Chết là tiếp nhận đất. Vậy nên ăn đất là ẩn dụ của cái chết.
Năm bảy đường “ăn”
Nghĩa của từ càng khái quát càng dễ dùng cho nhiều tình huống khác nhau. “Ăn” là tiếp nhận, và có dăm bảy đường tiếp nhận: chủ động, bị động, đồng thuận hoặc theo luật tục.
Chủ động tiếp nhận với ý nghĩa không chính đáng, xấu xa là ăn bám, ăn chực, ăn hại, ăn ghẹ, ăn ké, ăn báo cô, ăn bớt, ăn bòn, ăn vụng, ăn hoang, ăn không, ăn dỗ (trẻ em), ăn quẩn, ăn quèo, “khôn ngoan thì kiếm ăn người, mạt đời thì kiếm ăn quanh” (tục ngữ)… Không ít hạng người có thủ đoạn ăn lưu manh, phi nghĩa: ăn cắp, ăn trộm, ăn gian, ăn lường, ăn lận, ăn quịt, ăn hớt, ăn bửa, ăn chằng, ăn thông lưng (trong cờ bạc). Những tên đạo chích và gái đứng đường thì ăn sương. Tục ngữ có câu “Kiếp trâu ăn cỏ, kiếp chó ăn của dơ”. Những hạng kỳ hào, lý dịch, quan chức ăn chặn, ăn chẹt, ăn cướp cơm chim, ăn tiền, ăn đút lót, ăn hối lộ (xưa gọi lịch sự là ăn lễ), được gọi chung bằng từ ăn bẩn. Từ đây, có cách chửi mắng là bảo một người “ăn cái nọ, ăn cái kia (ô uế, xấu xa)”.
Sự tiếp nhận bị động là nước da ăn ảnh, ăn phấn, ăn đèn, ăn nắng, ăn gió. Có người “mặc đồ đen lại ăn hơn đồ trắng”. Giấy sản xuất thời bao cấp rất xấu, thường bị ăn mực.
Tiếp nhận theo quy luật, theo luật chơi, theo tục lệ là sự tiếp nhận hợp lý. Đó là ăn bổng, ăn lộc, ăn hương hoả, ăn thừa tự, ăn bát họ, ăn cái; làm công ăn lương; làm ở hợp tác xã ăn công điểm. Trong cá cược nói “đặt một ăn ba”. Trong buôn bán, nói “hàng này đã ăn giá 300 ngàn”. Người làm trái tục lệ liền bị làng xóm kéo đến ăn vạ (ngả lợn gà ra ăn). Ăn vạ còn nhằm bắt đền, tức tiếp nhận sự đền bù của người khác.
Tiếp nhận từ cả hai phía thường mang nghĩa hài hoà: Tủ này ăn mộng. Những người ăn cánh thường nói ăn khớp nhau. Đội bóng này chơi cực kỳ ăn giơ (jeu); chưa thấy hai tiền đạo nào chơi ăn ý nhau như vậy. Dàn đồng ca này hát bè không ăn nhịp lắm…
Để “ăn” được một đối tượng khác thì phải mạnh hơn. Từ đây “ăn” có ý nghĩa là vượt trội, là thắng, là làm tiêu hao đối tượng. Đó là ăn tôm, ăn lèo, ăn chắn trong bài bạc, ăn xe, ăn pháo trong đánh cờ, đánh bài. Rồi “Cờ bạc ăn nhau về sáng” (tục ngữ), “Anh ta thì ăn giải gì, có mà giải rút”, “Về đầu óc, đứa em ăn đứt thằng anh”; “Đấu với nó sao được, nó sẽ ăn gỏi cậu”…
Từ đây thêm một dòng nghĩa mới: “ăn” là tiêu hao đối tượng. Đó là nước ăn chân; gấu ăn trăng (hiện tượng nguyệt thực); axít ăn mòn kim loại; vải này ăn màu; buôn bán ế ẩm, bị ăn cụt vốn; biển đã ăn vào 100 mét; đường kẻ này ăn sang trái; “Sơn ăn tuỳ mặt ma bắt tuỳ người” (tục ngữ)…
“Ăn” theo công thức
Từ “ăn” thường trực trong tâm thức người Việt. Và tiếng Việt có nhiều từ ghép “ăn + X”, ở đó:
– Có X nói về duyên cớ ăn: ăn tết, ăn tân gia, ăn hỏi, ăn mừng, ăn khao, ăn giỗ, ăn cơm khách, “Ăn có mời làm có khiến” (tục ngữ); “Mồng ba cá đi ăn thề, mồng bốn cá về cá vượt vũ môn” (ca dao)…
– Có X nói về tính chất, phương thức ăn: ăn già, ăn non, ăn vặt, ăn vay, ăn đong…; ăn xó mó niêu, ăn xin, ăn mày cửa Phật; “ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối” (tục ngữ); “Những người ăn xổi ở thì” (Truyện Kiều)…
– Khi ghép “ăn” với một động từ X khác, như ăn học, ăn tiêu, ăn mặc, ăn ngủ, ăn nói, ăn nhậu, ăn chia, ăn ngồi… vai trò của “ăn” và X như nhau, những tổ hợp này còn có thể nói về một điều X khái quát: ăn chơi nói về chuyện chơi bời, ăn ở nói về cách ứng xử trong cuộc sống, còn ăn nằm chủ yếu nói về chuyện hai người có quan hệ… “nằm” với nhau.
Con đường phát triển nghĩa của từ “ăn” phong phú là như vậy. Mong bạn hãy liên hệ với từ “ăn” trong ngoại ngữ mình biết và hãy thử dịch những ví dụ gặp trong bài này xem bao nhiêu trường hợp có thể dùng eat (Anh), manger (Pháp), est’ (Nga) để dịch từ “ăn” của chúng ta.
Và cũng cần suy ngẫm: nhiều cách nói đặc sắc về từ “ăn” đang mất dần đi trong xã hội hiện đại.
GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN (SÀI GÒN TIẾP THỊ)
MINH HOẠ: HỒNG NGUYÊN