.
Muôn nẻo đời thường:

Ai còn tới rạp coi phim?

.
Dù cho rằng 3 rạp phim hiện có không là quá nhiều so với thị trường khán giả đầy tiềm năng của Đà Nẵng, các nhà kinh doanh rạp phim vẫn thừa nhận, họ khá chật vật để thu hút khách đến rạp.
 
Hắt hiu phim rạp

Mô tả ảnh.
Các nhà quản lý rạp phim kỳ vọng thói quen xem rạp sẽ trở lại.
Lượng khán giả thấp đã dẫn đến tình trạng đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng của nhiều rạp phim tư nhân và Nhà nước ở Đà Nẵng: Cụm rạp Loteecity (Hàn Quốc) ở tầng 3 Siêu thị Bài Thơ (cũ), rạp Fafim (đường Quang Trung) và Cinezen (đường Trần Phú). Kinh doanh hiệu quả nhất hiện nay vẫn là rạp Lê Độ và mới đây là cụm 6 rạp của Megastar ở Siêu thị BigC, song, số khách đến xem vẫn không như mong đợi của các nhà quản lý rạp.

Những năm gần đây, rạp Lê Độ phục vụ khá tốt các đợt chiếu phim miễn phí nhân các ngày lễ lớn hoặc Liên hoan phim quốc tế, nhưng lại không thu hút nhiều khán giả trong hoạt động chiếu phim có thu. Dù Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (PHP&CB) Đà Nẵng trực tiếp quản lý rạp Lê Độ ước tính lượng khán giả đến rạp đã tăng tới 50% so với năm ngoái, thì mỗi ngày, lượng vé bán ra chỉ vào khoảng vài chục đến 100, chiếm chưa tới 1/4 số ghế tại rạp. Megastar hoạt động từ năm 2008, được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt, có không gian sang trọng, nguồn phim phong phú, dồi dào, cũng chỉ kỳ vọng sẽ khai thác được ít nhất 30% trên tổng số gần 900 ghế trong mỗi suất chiếu.

Ông Vương Thế Phong, quản lý cụm Megastar giải thích: “Người Đà Nẵng chưa hình thành văn hóa xem phim ở rạp, và đó là trở ngại lớn nhất của chúng tôi”. Ông dẫn chứng, nhiều phim mà hãng này tung ra, số lượng khán giả luôn kín các phòng chiếu tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, thì lại gần như không được đón nhận nồng nhiệt tại Đà Nẵng. “Chỉ khoảng 5-10% khán giả xác định được phim mình muốn xem và lựa chọn trước suất chiếu, còn đa số đều đến rạp mới quyết định xem phim nào”. Không quá phụ thuộc nguồn phim từ các nhà phân phối như nhiều rạp khác, Megastar vẫn phải nhập lượng lớn các phim thể loại hành động, võ thuật để chiều lòng số đông thượng đế đi xem theo kiểu “gặp gì coi đó” này.

Bán vé giá rẻ để thu hút khán giả

Ngoài ra, sự xuống cấp của nhiều hệ thống rạp cũng là một lý do khiến khán giả không mặn mà với rạp. Theo ông Nguyễn Ba, Giám đốc Trung tâm PHP&CB Đà Nẵng, rạp Lê Độ hiện đã quá cũ, một số trang thiết bị hư hỏng, mà đơn vị chưa có điều kiện tân trang, nên thường chỉ phục vụ được cho bộ phận người xem có thu nhập thấp. Để thu hút sự chú ý của người xem, đơn vị “thiết kế” để rạp luôn tràn ngập ánh sáng, tiếng nhạc rộn rã. “Chúng tôi muốn tạo không khí vui vẻ cả trong rạp lẫn ngoài phòng đợi. Dù ngày đó có ít khán giả, rạp cũng phải thật tưng bừng”, ông Ba nói.

Bán vé giá rẻ cũng là một phương cách giúp lôi kéo luồng khán giả là học sinh-sinh viên. Nếu rạp Lê Độ cho học sinh, sinh viên “thầu” rạp với mức giá chỉ từ 10 nghìn đồng/vé, thì Megastar cũng đưa ra mức 25 nghìn đồng/vé cho những giờ không thuộc giờ vàng của rạp. “Bằng cách đó, mỗi lần chúng tôi có thể bán hết gần 200 vé, rất nhiều người điện tới hỏi cũng không còn vé để bán”, ông Phong cho hay.

“Chúng tôi chỉ mong trong thời gian tới, thói quen xem phim rạp như cách đây 7 năm của người Đà Nẵng sẽ dần trở lại. Các rạp phim còn hoạt động phải cố hết sức làm sao cho khán giả tới một lần, và họ sẽ tới nữa”, ông Phong kỳ vọng.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
;
.
.
.
.
.