Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức chương trình Thuyết trình và biểu diễn Cắm hoa Nghệ thuật Ikebana do Giáo sư Sasaki Yasuhito, Hội Hoa đạo Ikenobo, Tùy Phái viên Giao lưu Văn hóa Nhật Bản thực hiện. Đây là chương trình trong khuôn khổ hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Đà Nẵng và Nhật Bản. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu những nét độc đáo trong Nghệ thuật cắm hoa có từ hơn 550 năm trước của Nhật Bản.
Một kiểu cắm hoa Ikebana do Giáo sư Sasaki Yasuhito thực hiện. |
Người Nhật Bản nổi tiếng về Nghệ thuật cắm hoa trên thế giới. Trong khi tại nhiều quốc gia khác, mọi người ưa thích hình thể và màu sắc của các bông hoa thì đặc điểm của Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản là sự chú trọng vào đường nét. Theo Giáo sư Sasaki Yasuhito, từ bao đời nay, con người đã có tình yêu rất lớn dành cho hoa. Những nghệ nhân Ikebana đã cảm nhận được rằng, hoa không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên mà hoa còn phản ánh rất sâu sắc tình cảm của con người.
Những tác phẩm nghệ thuật dưới hình thức cắm hoa Ikebana đã tạo nên những câu chuyện không ngôn từ và những chuyển động bên trong của hoa. Bằng việc sử dụng những cành hoa, lá hoa, bông hoa để tạo nên những hình dáng mới lạ nhằm thể hiện vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên, những niềm vui hay tình cảm của con người.
Nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật sắp hoa Ikebana là tượng trưng cho Trời - Đất và Con người, và Ikebana phải thể hiện được sự hài hòa của 3 yếu tố đó. Trong phong cách cắm hoa nghệ thuật của mình, người Nhật không chỉ chú trọng vào những nét nổi bật của bông hoa, mà còn phát triển nghệ thuật với cả cành, cuống, lá.
Nói một cách tổng quát, cách cắm hoa Nhật Bản gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối diện so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là thứ tượng trưng cho Trời - Đất - Người (Thiên, Địa, Nhân). Chính trong cấu trúc này đã tạo nên nét độc đáo trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana.
Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời”. Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta đã chọn cành hoa nào mạnh nhất làm công việc này. Tiếp theo cành chính là cành thứ, đại diện cho con Người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính.
Cành thứ ba tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần được cột chặt vào một bộ phận giữ và phải diễn tả cho thấy sự xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.
Ikebana ra đời cách đây 550 năm, hay còn được biết đến là Kado, tức “Hoa đạo”, như một sự tượng trưng cho quan niệm triết học của Phật giáo tại Nhật Bản. Tuy nhiên, qua năm tháng, nghệ thuật cắm hoa này ở Nhật Bản đã mất dần đi ý nghĩa tôn giáo ban đầu, và rồi đặc tính về thiên nhiên trong cách cắm hoa được nhấn mạnh.
Ngày nay, tại Nhật Bản có nhiều trường phái cắm hoa với những quy luật có thể khác nhau về quan niệm, về ý tưởng, về phương pháp, nhưng tất cả đều tựu trung lại một điểm là tình yêu thiên nhiên được nâng lên thành nghệ thuật.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebono là trường phái đầu tiên của nghệ thuật cắm hoa Ikebana có lịch sử trên 550 năm. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nhưng tất cả đều thể hiện tấm lòng và tình cảm của mỗi con người trong tác phẩm của mỗi thời đại. Trong cách cắm hoa, người Nhật luôn chú ý tới sự hiểu biết về dòng thời gian của vũ trụ. Ví dụ: Quá khứ, dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô; Hiện tại, dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo; Tương lai, dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới. Sự cân nhắc về vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày: Mùa Xuân, cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực. Mùa Hạ, cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy. Mùa Thu, cách xếp đặt mỏng và thưa thớt. Mùa Đông, cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ. Sự thay đổi của nghệ thuật cắm hoa Ikebana cũng thay đổi như thời trang và đặc biệt các tác phẩm hoa cắm của nghệ thuật Ikebana đều chịu tác động của yếu tố thời tiết và được thể hiện thông qua 4 mùa đặc trưng của Nhật Bản. |
Bài và ảnh: NGỌC HÂN