Năm 2010, cùng với các ngành các cấp, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trên lĩnh vực hoạt động văn hóa-thông tin, góp phần cùng thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, năm 2010 là năm cuối thành phố triển khai phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010; cũng là năm thành phố tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, Đại hội thi đua yêu nước thành phố lần thứ III và đăng cai tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI… Chính vì tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, ngành VH-TT&DL đã tập trung tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đối ngoại của thành phố với nhiều hình thức phong phú, đa dạng… góp phần tạo không khí sôi động trên toàn thành phố; trong đó, ngành đã thực hiện xã hội hóa gần 15.000 băng rôn, pa-nô, phướn, làm lợi cho thành phố hàng trăm triệu đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các ngành tham mưu tổ chức thành công Lễ mít-tinh kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, với quy mô hoành tráng, ấn tượng, được đại biểu dự lễ và đông đảo nhân dân khen ngợi. Đồng thời, ngành còn tham gia và tổ chức nhiều hoạt động phong phú chào mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long-Hà Nội như, Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội 2010 tại Hà Nội, Triển lãm “Từ truyền thống Đông Sơn đến Văn minh Đại Việt” tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm... đã tạo ra không khí sôi nổi trên toàn địa bàn thành phố.
Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng đã có nhiều khởi sắc, sở đã tham mưu để Bộ VH-TT&DL công nhận di tích lịch sử K20 là di tích cấp quốc gia, trình UBND thành phố công nhận 3 di tích cấp thành phố: Đình Đà Sơn (Liên Chiểu), khu chứng tích tội ác Giáng Đông và Đình An Ngãi Đông (Hòa Vang); bước đầu lập danh mục hồ sơ 27 hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm để báo cáo Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VH-TT&DL xem xét, cho ý kiến để trình Chính phủ xét công nhận là bảo vật cấp quốc gia. Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức phục dựng thành công Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ngoài ra, các Bảo tàng đã tổ chức trưng bày các chuyên đề: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hoàng Sa - Biển đảo quê hương, Chăm pa - Khảo cổ học Mỹ Sơn, Tây Nguyên - Tự tình...
Hoạt động văn hóa - nghệ thuật cũng đã diễn ra sôi nổi với chất lượng được nâng cao, hình thức đa dạng (nghệ thuật dân tộc, hòa nhạc, ca múa nhạc, Xiếc Việt Nam...) tạo không khí sôi động, thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức. Bên cạnh hoạt động phục vụ công chúng, các nhà hát đã tổ chức tốt chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác đối ngoại của thành phố như tiếp Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Campuchia; Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42...
Trong năm 2010, các nhà hát cũng đã tổ chức được 394 buổi diễn, thu hút 290.000 lượt người xem; đặc biệt đã đưa các show diễn vào phục vụ khách du lịch tối thứ tư và thứ bảy hằng tuần tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tạo không gian sinh hoạt văn hóa và điểm đến thú vị, bước đầu đón nhận được sự quan tâm của nhân dân và du khách. Sở đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ các tổ chức tôn giáo thành phố Đà Nẵng; Liên hoan Hợp xướng Những bài ca dâng Đảng, Hội diễn Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan Ca múa nhạc và kịch hát dân tộc học sinh - sinh viên các Trường Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc...; đặc biệt tổ chức thành công Chương trình ca nhạc “Đà Nẵng - Bản hùng ca Sông Hàn” mang đến cho khán giả “buổi đại tiệc” nghệ thuật hoành tráng, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật đa dạng và ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Bên cạnh các hoạt động trên, hoạt động điện ảnh cũng đã có nhiều khởi sắc.
Năm qua, đã tổ chức thành công Liên hoan Điện ảnh, Truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế (FICTS) lần thứ V-2010 và các Liên hoan phim Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc. Qua đó, giới thiệu đến công chúng thành phố những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của các quốc gia, thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đã tổ chức thành công các đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, đợt phim hè phục vụ các em thiếu nhi..., góp phần giáo dục tư tưởng và tạo điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh.
Với những kết quả đã đạt được trong năm qua, chúng ta có thể tin tưởng rằng, ngành VH-TT&DL thành phố sẽ tiếp tục gặt hái được những thành quả to lớn hơn nữa trong thời gian đến, nhất là đem lại đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ngày càng phong phú và đa dạng, hướng đến một tầm cao mới trong sinh hoạt văn hóa cho người dân.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN