.

Không gian di tích

.

Nằm trong hạng mục trưng bày tầng 1, chỉ chiếm một diện tích khá khiêm tốn, không gian tái tạo các di chỉ khảo cổ thời tiền sơ sử tại Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng (BTLSĐN) đã minh chứng một cách thuyết phục về sự tồn tại lâu đời của  mảnh đất Đà Nẵng hôm nay.

Mô tả ảnh.
Góc tái tạo một tiến sĩ Khảo cổ học thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đang xử lý hiện vật ở hố khai quật.
Từ Văn hóa Sa Huỳnh...

Theo ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc BTLSĐN, sở dĩ BT trưng bày giới thiệu một số hiện vật văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện sớm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (ngày nay), bởi lẽ, từ cái nhìn địa-sử-văn hóa, Quảng Nam-Đà Nẵng trong quá khứ luôn là một thực thể không thể chia tách; và đây là vùng đất được coi là một trong những trung tâm mang đầy đủ những đặc trưng của nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng này. Những hiện vật trưng bày tuy chưa thật phong phú về loại hình, song cơ bản đã phản ánh được những đặc trưng nổi nét của văn hóa Sa Huỳnh. Có thể kể ra một số hiện vật tiêu biểu như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu nhọn, khuyên tai hình vành khăn, hạt chuỗi… là những trang sức bằng chất liệu đá, thủy tinh, mã não. Bên cạnh đó còn có các loại chum, vò, nồi gốm dùng để mai táng.

Khuyên tai hai đầu thú được coi là loại hình đồ trang sức điển hình nhất của cư dân Sa Huỳnh, nó mang những đặc điểm nổi bật về độ dài sừng, chạm khắc trên mắt thú khác với các loại khuyên tai cùng loại nằm ngoài Việt Nam. Gây nhiều thắc mắc nhất trong giới nghiên cứu là loại hạt chuỗi bằng đá mã não. Tất cả đều có xuyên lỗ để luồn dây đeo. Đến nay, người ta vẫn không thể lý giải được rằng người Sa Huỳnh đã khoan lỗ như thế nào?

Đến di chỉ khảo cổ Nam Thổ Sơn và Vườn đình Khuê Bắc

Di tích Nam Thổ Sơn và Vườn đình Khuê Bắc được phát hiện và khai quật vào các năm 2000, 2001 do sự phối hợp thực hiện giữa đoàn khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Đà Nẵng, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Trần Quốc Vượng. Cả hai di tích này đều nằm trên cùng một địa vực, chỉ cách nhau khoảng 800m theo đường chim bay. Đây là những gò cát nằm cạnh sông Cổ Cò - con sông chạy dọc ven biển nối Đà Nẵng với Hội An - cách bờ vịnh Đà Nẵng khoảng 2km về phía Nam, trong không gian của quần thể núi đá vôi Ngũ Hành Sơn.

Hiện vật khai quật được ở hai di tích này khá phong phú, trong giới hạn của không gian trưng bày, BT chọn giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu. Cụ thể, đối với di tích Nam Thổ Sơn có thể kể đến các hiện vật như gạch Chăm, ngói Chăm, bình gốm ken đy… minh chứng cho sự  hưng thịnh của nghề gốm nơi đây, ngay từ khi còn rất sớm (khoảng từ thế kỷ IX-XI) của cư dân Nam Thổ Sơn. Sự hiện diện của đồng tiền Trung Hoa thời Đường hiệu Khai Nguyên Thông Bảo cho thấy lúc bấy giờ, quan hệ giao thương, trao đổi hàng hóa với nước ngoài đã phát triển.

Đối với di tích Vườn đình Khuê Bắc, bên cạnh khuyên tai, mảng đáy bộ nồi, cổ bình gốm…, đồng tiền Ngũ Thù, tiền Vương Mãng cũng được tìm thấy, cùng với di tích Nam Thổ Sơn chỉ nói lên một điều mảnh đất Ngũ Hành Sơn từng hình thành kiểu làng - bến - thị có quan hệ giao thương, tiếp xúc với văn hóa bên ngoài.

Theo giám định của những nhà chuyên môn, qua các di chỉ Nam Thổ Sơn và Vườn đình Khuê Bắc, bước đầu đã khẳng định Đà Nẵng là một vùng đất cổ, cách đây khoảng 3.000 năm đã có người sinh sống. Và điều đáng tự hào, từ xa xưa, cha ông ta đã biết đẩy mạnh hoạt động giao lưu trao đổi mọi mặt với nước ngoài. Qua việc tiếp thu có chọn lọc (có thể có ý thức hoặc chưa có ý thức), họ đã để lại những giá trị văn hóa vô cùng quý giá, mà ngày nay, chúng ta cần trân trọng, giữ gìn và phát huy. Đó cũng chính là thông điệp mà Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng muốn gửi đến thế hệ trẻ Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.

Bài và ảnh: TRẦN THANH TÂN

;
.
.
.
.
.