.

Chuyện về một đoàn văn công ngày ấy...

.

Vào một ngày cuối năm, tôi có dịp được trò chuyện cùng ca sĩ Kim Oanh, diễn viên múa Thiện Tâm - hai trong số những nghệ sĩ từ miền Bắc được tuyển chọn, bổ sung vào Đoàn Văn công giải phóng miền Trung Trung Bộ. Cuộc trò chuyện thú vị hơn giờ đồng hồ dường như chưa đủ để hai vợ chồng nghệ sĩ ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khổ, nhưng quá đẹp đẽ mà họ đã đi qua...

 

Mô tả ảnh.
Biểu diễn trong lễ mít-tinh mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam tại Sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu)

Chị Kim Oanh bồi hồi nhớ lại, ngày chị mới được gia nhập vào Đoàn văn công miền Tây Quảng Nam, tiền thân của Đoàn Văn công Trung Trung Bộ lúc bấy giờ, khi ấy, chị mới 18 tuổi. Vào đoàn chưa được bao lâu thì tháng 12-1972 cùng theo đoàn vào chiến trường Khu 5 phục vụ. Vậy là cô ca sĩ nhỏ nhắn, với cân nặng chỉ khoảng 40kg bắt đầu làm quen với cuộc sống chiến trường. 3 tháng vừa hành quân, vừa biểu diễn, chị thấm hiểu những nhọc nhằn, gian truân của những người nghệ sĩ thời chiến. Với các cô chú, chuyện lội suối, vượt rừng là chuyện quá thường.

Chị nhớ mãi cái lần, đơn vị dừng chân tại Hà Tĩnh trong lần đầu tiên vượt đường Trường Sơn vào chiến tuyến, giao liên dẫn đến một ngôi làng địch vừa bắn phá... không còn một bóng người, trước mắt chỉ là khung cảnh tiêu điều xơ xác, giữa buổi chiều đông ảm đạm... chị và một số chị em trong đoàn đã bật khóc... Có lần các cô phải lội qua lớp bùn cao đến đùi, lội xong không có nước rửa phải để vậy mắc võng ngủ luôn. Sợ nhất là những lần bị lạc đường (vì giao liên đi quá nhanh, các anh chị đi không quen, không theo kịp, bị lạc là chuyện thường); chủ yếu đi bộ, thỉnh thoảng cũng được đi xe... Đường đi vất vả, mỗi người lại phải gùi trên vai toàn bộ quân trang, quân dụng, đàn sáo, gạo, thức ăn dự trữ… có khi nặng hơn cả trọng lượng cơ thể, cực hết chỗ nói, nhưng “đôi khi nhìn cũng rất buồn cười”, anh Thiện Tâm, hài hước thêm vào câu chuyện.

Chặng đường hành quân đã gian khổ, việc biểu diễn trong thời chiến càng gian khổ hơn. Nhiệm vụ của đoàn là biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội chuẩn bị lên đường chiến đấu, phục vụ các Đại hội, đại biểu cấp cao… nên đôi khi, vừa hành quân xa, bỏ ba lô xuống đất là biểu diễn ngay, không còn thời gian nghỉ… Có những anh em bị sốt rét rừng, nhưng đến phiên diễn, không có ai thay (vì mỗi người đều có một nhiệm vụ) cũng gắng dậy, đánh xong đoạn nhạc của mình thì vào nghỉ tạm ở võng mắc sẵn sau cánh gà, đến đoạn cần lại ra sân khấu... cứ như vậy đến lúc nào xong buổi biểu diễn thì thôi. Anh Thiện Tâm như phân bì “bên đứng hát còn đỡ, bên bọn anh, múa phải lăn lê bò toài, lấm bùn đất, bị cây đâm vào người đau điếng mà có ai dám than phiền...”.

Hơn 1/3 thế kỷ đã trôi qua nhưng chị Nguyễn Thị Kim Oanh, danh ca nổi tiếng một thời của Đoàn Văn công Trung Trung Bộ vẫn giữ gần như nguyên vẹn những kỷ vật của chiến tranh. Bởi với chị, kỷ vật đã nói thay tấm lòng. Chồng chị, anh Nguyễn Thiện Tâm là diễn viên múa của đoàn cũng luôn tự hào về điều đó. Anh Tâm, chị Oanh cũng như 67 thành viên của đoàn vào chiến trường Khu 5 khi tuổi đời còn rất trẻ. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 22. Vậy mà họ vẫn ngày đi, đêm diễn cho đến khi vào tận chiến trường Khu 5.

... Giờ đây, cả hai người đều khẳng định, họ đã trải qua những tháng ngày gian khổ thật đấy, nhưng đẹp vô cùng. Các anh chị em trong đoàn thương yêu nhau như anh em ruột thịt, bên cạnh những giây phút nín thở vượt qua đồn địch trong đêm lạnh, những thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết... là những khoảnh khắc thanh bình, yên ả đi kiếm rau rừng,  cùng nhau ngồi bên bếp lửa ấm cúng tình đồng đội...

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 5 năm 1975, các thành viên của đoàn chia tay nhau trong luyến tiếc, mỗi người đã chọn ngả rẽ cho riêng mình. Có người ở lại với núi rừng Quảng Nam, có người về thành phố định cư. Người có cơ duyên thì lại được tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực nghệ thuật như vợ chồng anh Tâm và chị Oanh, nhưng cũng có người chuyển hẳn sang làm những ngành nghề khác. Nhưng, dù làm bất cứ nghề gì, họ vẫn giữ được chất nghệ sĩ, nó như mạch ngầm chảy trong tiềm thức. Với họ, mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai tự bao giờ.

 

Đoàn Văn công Trung Trung Bộ, tiền thân là Đoàn Văn công miền Tây Quảng Nam được thành lập vào năm 1960. Ban đầu đoàn chỉ có 23 người. Sau khi điều động ra Thanh Hóa được Ban Thống nhất Trung ương giao tuyển chọn và đào tạo thêm lên thành 67 người. Do vậy, các thành viên của đoàn hầu hết là người Quảng Nam và Thanh Hóa. Sau khi được đào tạo căn bản, họ được điều động vào chiến trường khu 5 để phục vụ. Chính tại mảnh đất này là nơi phô diễn tài năng của người nghệ sĩ. Họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng và các cấp lãnh đạo lúc bấy giờ.

Bài và ảnh: TRẦN THANH TÂN

;
.
.
.
.
.