.

Văn học-nghệ thuật Đà Nẵng: Một năm khởi sắc

.
Ông Ông Văn Sinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, năm qua, 9 Hội chuyên ngành đều có nhiều tác phẩm mới, có một số tác phẩm có chất lượng tốt, được tặng các giải thưởng ở Trung ương, các ngành và địa phương, nhiều chương trình văn học, nghệ thuật được phổ biến rộng rãi đến nhân dân, được phát trên sóng truyền hình của địa phương và Trung ương.

Mô tả ảnh.
Một tiết mục múa Chăm do các nghệ sĩ, diễn viên múa Đà Nẵng thực hiện.
 
Có được sự chuyển biến này, trước hết là đội ngũ văn nghệ sĩ đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm về Bác Hồ. Môi trường và các điều kiện để văn học - nghệ thuật thành phố phát triển tiếp tục được cải thiện; hoạt động của các hội chuyên ngành và vai trò định hướng của Liên hiệp Hội từng bước được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với văn học, nghệ thuật được kịp thời; đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động sôi nổi, năng động hơn...

Chính vì thế, trong năm qua đã hoàn thành bản thảo công trình “Bác Hồ trong thơ ca hò vè Đà Nẵng”, kịch múa “Thăng Long - Hồ Chí Minh” công trình đã được Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ban Tuyên giáo Trung ương) tặng giải xuất sắc. Xuất bản tuyển thơ về Bác Hồ “Gửi lòng con đến cùng cha”, là tập hợp những bài thơ viết về Bác Hồ từ trước đến nay của các nhà thơ sống, công tác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Non Nước tổ chức ra số đặc biệt, có nhiều bài viết về phong trào thi đua và chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng thành công Đại hội lần thứ 20 Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
 
Ngoài ra, đã tổ chức 15 cuộc triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật ở thành phố Đà Nẵng, các vùng sâu vùng xa của thành phố, trong nước và nước ngoài; xuất bản được 12 đầu sách, trong đó có những công trình lớn như: tập 4 trong “Tổng tập văn nghệ dân gian đất Quảng” (5 tập), tiểu thuyết “Minh sư” của Thái Bá Lợi, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, Tuyển thơ Hà Nội 1.000 năm thương nhớ, tiểu thuyết “Sau đêm trăng hạ tuần là bình minh” của nhà văn Lê Khôi… đây là những công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được Liên hiệp Hội đầu tư.

Bên cạnh đó, các hội chuyên ngành đã tổ chức được 28 chương trình giới thiệu tác phẩm mới  về thơ, nhạc, chương trình biểu diễn văn nghệ, giới thiệu tác giả tác phẩm được đưa lên sóng truyền hình DRT, DVTV và tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, thâm nhập thực tế, để từ đó giúp văn nghệ sĩ có thêm nhiều tư liệu cuộc sống và cho ra đời những tác phẩm tốt phục vụ công chúng.

Với chủ trương xã hội hóa, Liên hiệp hội cũng như các hội chuyên ngành đã tích cực phối hợp, kêu gọi các nguồn tài trợ để tổ chức thêm được nhiều hoạt động như: Tổ chức triển lãm tranh - ảnh nghệ thuật, Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước, Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức dàn dựng 3 vở kịch ngắn “Cây đàn ghi-ta hai trong một” của tác giả Hồ Hải Học, vở “Khoảnh khắc cuộc đời” của Lê Thành với nội dung phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phục vụ nhiệm vụ chính trị cho Chương trình “5 không, 3 có” của thành phố và bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Bài và ảnh: VĂN NỞ
;
.
.
.
.
.