.

Du học sinh Việt Nam khắp nơi ăn Tết

.

(ĐNĐT) - Thêm một mùa xuân các du học sinh Việt Nam đón Tết ở nước ngoài. Dù công việc, học hành có bận rộn và vất cả, mọi người đều tìm cách đón một mùa xuân ý nghĩa.

Ngôi nhà chung của du học sinh

Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) lại tổ chức “Đại hội & Tết VYSA 2011”. Năm nay, vào ngày đầu năm mới, các hội viên VYSA tập trung tại hội trường Hollywood Plaza (Roppongi Hill, Tokyo). Phần đại hội kết thúc ngắn gọn, ngay sau đó, chương trình dạ hội bắt đầu với màn khiêu vũ, các ban nhóm nhạc lần lượt biểu diễn các tiết mục sôi động hâm nóng tiết trời giá rét.

sinh1.jpg
Sinh viên Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Patrice Lumumba (RUDN) tại Moscow tổ chức văn nghệ đón Tết
Bữa tiệc Tết Tân Mão của VYSA có đầy đủ bánh chưng, dưa món, nem chua… Đây là những món ăn đắt đỏ và rất khó mua nơi đất người. Sinh viên Trần Đình Phong, quê nhà TP Đà Nẵng cho biết, bạn sang Nhật học và làm việc từ 2003 và chưa bao giờ được về ăn Tết quê nhà. Phong xúc động: “Tiệc Tết Tân Mão là dịp để các bạn sinh viên, thanh niên xa nhà tại Nhật Bản có cơ hội nhớ lại hương vị quê hương, gặp gỡ giao lưu, trò chuyện. Có thể nói tiệc Tết VYSA từ lâu đã trở thành bữa cơm gia đình thân mật đầm ấm của những người con đất Việt xa quê lúc xuân về”.

Không chỉ có các tiết mục hiện đại, CLB kịch VYSA đã dàn dựng công phu vở kịch “Hậu ăn khế trả vàng” phỏng theo dân gian đã đem đến cho khán giả những tiếng cười nhẹ nhàng đầy sảng khoái với nhiều chi tiết hài hước, mang tính thời sự, trong đó có cả những cảnh đượm tâm tư sâu lắng nhưng không kém phần kịch tính.

Hà Vân, sinh viên trường Tiếng Nhật Tokyo Gaidai trong năm đầu tiên đón Tết xa nhà nói: “Năm đầu tiên xa gia đình, không được hòa trong không khí náo nức ở quê nhà. Thế nhưng, “Đại hội và Tết Vysa 2011” đã cho tôi cái Tết hết sức đặc biệt, tràn đầy ấm áp. Tôi được gặp không chỉ sinh viên mà còn cả cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, cây có cội, nước có nguồn, dù cuộc sống ở Nhật vô cùng bận rộn, nhưng ai cũng đến Tết VYSA như một cách để trở về nhà đón Tết”.

Ở Kyoto, Nhật Bản, sinh viên Huỳnh Ngọc Châu, Trưởng Ban tổ chức Tết Việt Kyoto của Hội Thanh niên Sinh viên Kyoto cho biết, do hội viên không thể về Tokyo để tụ hội nên đã làm chương trình “Họp mặt Xuân Tân Mão".

Ban chấp hành Hội đã chọn Hyakumanben gần ga Keihan Jingu Marutamachi để mọi người tiện đi lại. Không chỉ có thi ẩm thực các món truyền thống, các sinh viên còn tổ chức thi Thơ-Văn "Giai điệu Xuân Kyoto 2011", thi Miss áo dài cho các sinh viên nữ…

Tại Paris, sinh viên Võ Đình Tùng cho biết, năm ngoái lần đầu ăn Tết xa nhà còn nhiều bỡ ngỡ, Tùng đã được cha đỡ đầu Jean Claude Didelot, Chủ tịch Hội Institut du Fleuve cùng các anh chị trong cư xá động viên, cùng tổ chức đón Tết cho những tân sinh viên như Tùng. Năm nay với vai trò “đàn anh”, Tùng đảm nhận vai trò tổ chức tiệc năm mới từ những anh chị đã tốt nghiệp và đi làm.

Không đâu bằng mùa xuân quê nhà

Còn tại California, Mỹ, sinh viên Lê Quang Khang (trường San Jose City College) cũng không cảm thấy lẻ loi bởi cộng đồng người Việt ở đây rất đông. “Hễ thấy những chậu hoa đặt trước cửa nhà là biết gia đình người Việt, dù bận rộn trăm công nghìn việc không thể sang thăm, chúc Tết nhau như ở Việt Nam nhưng gặp nhau ngoài khu phố ai cũng vui vẻ và lì xì cho trẻ nhỏ”, Khang nói.

sinh2.jpg
Kịch Hậu ăn khế trả vàng do CLB Kịch VYSA diễn
Không có điều kiện đi “phượt” như bạn trẻ ở Việt Nam, các sinh viên Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Patrice Lumumba (RUDN) tại Moscow (Nga) tổ chức du xuân ngay ngày đầu tiên của năm mới. Chương trình do nhà trường tổ chức, các sinh viên tham quan thành phố Vladimia bằng xe buýt. Không chỉ có sinh viên Việt Nam, mà nhiều sinh viên châu Á như Campuchia, Lào, Trung Quốc…cũng tham dự cùng nhau để đón Tết cổ truyền.

Tại Kazan (Nga), nghiên cứu sinh Hoài Phương đón cái Tết thứ 8 xa nhà tường thuật: “Từ 17 giờ ngày cuối cùng của năm cũ, tất cả các bạn sinh viên Kazan đến từ các trường đại học của thành phố đã tề tựu đông đủ. Mọi người đã chuẩn bị các tiết mục văn nghệ rất công phu và chờ đợi giây phút này đã lâu”. Đào giấy, mai giấy trở nên lung linh giữa ánh đèn và ánh nến của trong hội trường. Dù những bức thư pháp của các sinh viên có phần nghiệp dư, nhưng Tết Việt ở xứ sở băng giá cũng đã có câu đối đỏ, bánh chưng xanh ấm áp.

Đêm Gala Tết mang tên “Music & Fashion” còn là dịp để các nữ sinh viên khoe sắc, thi tài trong trang phục áo dài truyền thống. Sinh viên Hồng Phượng cho biết đã thành nếp của nữ sinh viên Việt Nam tại Kazan, ai sang học cũng mang theo một bộ áo dài để mặc trong những dịp lễ Tết của quê nhà. Tiệc năm mới ở Kazan còn có các thầy, cô và bạn bè người Nga cũng đến chung vui. Và đúng vào lúc 20 giờ ngày 2-2 (giờ Moscow, tức thời khắc giao thừa 0 giờ ngày 3-2 tại Việt Nam), mọi người cùng hét vang Chúc mừng năm mới cùng những ly champagne.

Hoài Phương cho biết: “8 năm đón Tết ở phương xa mới biết yêu quê nhà, không chỉ mình mà hầu như tất cả các sinh viên đều mong muốn trở về làm việc tại Việt Nam để tận hưởng không khí Tết cùng gia đình”.

Nhật Phương

Ảnh do các nhân vật cung cấp

;
.
.
.
.
.