.

Gìn giữ văn hóa Cơtu

.
Bằng niềm say mê âm nhạc và với mong muốn gìn giữ cho con cháu sau này biết cách làm, chơi các loại nhạc cụ của người Cơtu, ông đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, phục chế các loại nhạc cụ cổ truyền của người Cơtu. Ông là Nguyễn Văn Cần, thường được bà con ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang gọi thân mật là ALăng Cần.

Mô tả ảnh.
Ông Cần đang giới thiệu các loại nhạc cụ mà ông sưu tầm, phục chế được.
Sưu tầm, phục chế nhạc cụ

Vốn là già làng, lại là người duy nhất trong thôn biết làm các loại nhạc cụ của người Cơtu, tuy đã bước vào tuổi 70 nhưng ông Nguyễn Văn Cần vẫn không quản ngại vượt đường xa, suối sâu đi sưu tầm hoặc vào rừng tìm vật liệu về làm các loại nhạc cụ của người Cơtu, chỉ vì “tiếc cái hồn của dân tộc...” như ông tâm sự. Trò chuyện với chúng tôi, ông Cần cho biết: “Một bộ nhạc cụ theo truyền thống gồm 5 loại: Đàn Càron, Ro, Cắp bruốc, Rhăm, Tapré. Trước đây, ông bà, cha mẹ tôi đều biết làm. Nhưng đến nay, cả làng không ai biết làm các loại nhạc cụ này. Chỉ có 2-3 người già biết chơi”. Vì thế, với niềm say mê âm nhạc của mình, ông đi sưu tầm, phục chế lại các loại nhạc cụ như Rhăm, Tapré… vừa để thổi chơi, vừa để trình diễn vào các dịp lễ hội đâm trâu, lễ lấp lỗ, hát giao duyên... qua đó, để lớp trẻ có thể được xem, gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Mang một loại nhạc cụ mà mình đã bỏ công phục hồi đưa cho chúng tôi xem, ông nâng niu giới thiệu: “Đây là Rhăm (tương tự như sáo, tiêu) làm từ ống trúc. Khi làm phải chọn ống trúc vừa già, vừa mỏng, trên thân ống đục 6 lỗ. Phía đầu ống, dùng miếng đồng hình lưỡi gà bịt lại. Khi thổi dùng các ngón tay đặt trên các lỗ ống, âm thanh phát ra phụ thuộc vào sự đóng mở của các ngón tay...”.

Theo ông Cần, có những loại nhạc cụ không tìm được nguyên liệu làm thì phải lên tận Tây Giang ở Quảng Nam để tìm mua. Hiện ông đã phục chế được 3 loại nhạc cụ là Tapré, Rhăm, Ro. Ông tâm sự: “Muốn làm một loại nhạc cụ phải mất rất nhiều thời gian, chứ không làm ẩu được. Phải chọn nguyên liệu tốt, phải chỉnh, gọt, đẽo, đục sao cho âm thanh phát ra phải trong, thanh, đạt đến độ vang nhất định...”.

Là 1 trong 3 người già trong thôn biết chơi các loại nhạc cụ của người Cơtu, nên vào dịp các lễ hội truyền thống, các buổi giao lưu giữa các thôn do huyện tổ chức, ông đều được mời tham dự.

Gìn giữ truyền thống

Ông đang dự định, vào các ngày rằm trong tháng sẽ mở lớp học cho các thanh niên trong làng về văn hóa của dân tộc mình tại nhà Gươl của thôn. Dạy cách sử dụng cũng như cách làm các loại nhạc cụ. Vì ông “muốn giữ lại những bản sắc văn hóa của người Cơtu cho lớp con cháu sau này. Chứ mai này có mất đi, chúng nó không biết chút gì về truyền thống của dân tộc mình. Mình có tội với tổ tiên lắm...”, ông Cần tâm sự. Đó là tâm nguyện cũng như trăn trở của ông Cần về bản sắc văn hóa của người Cơtu đang dần mất đi. Bởi theo ông, hiện “thanh niên trong làng không đứa nào hào hứng học, chơi các loại nhạc cụ của người Cơtu nữa...”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang nhận xét: “Ông Cần là người có công rất lớn trong việc sưu tầm, phục dựng lại nét văn hóa của người Cơtu, hăng hái trong công tác gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc”.

Với những cống hiến trên, năm 2009 ông đã được tặng nhiều bằng khen của thành phố về việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơtu.

Hy vọng, trong lớp con cháu sau này sẽ có những người say mê âm nhạc như ông, để gìn giữ và phục dựng lại nét đẹp văn hóa của dân tộc cho các thế hệ mai sau. 

Bài và ảnh: KIM OANH
;
.
.
.
.
.