Với nguyên tắc hoạt động tự nguyện, tự quản, CLB Dân ca bài chòi Sông Yên (thuộc Phòng VH-TT huyện Hòa Vang) vừa mới ra đời là nơi hội tụ những tấm lòng đam mê nghệ thuật, hướng đến khôi phục và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương.
CLB dân ca bài chòi Sông Yên biểu diễn tại buổi lễ ra mắt. |
Tại lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê vừa qua, nhiều người dân và du khách đã được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng nhưng cũng không kém phần dí dỏm, nhẹ nhàng của những nghệ sĩ không chuyên. Điều đáng nói là những tiết mục đó do CLB Dân ca bài chòi Sông Yên, thuộc Phòng VH-TT huyện Hòa Vang đến “góp vui” cùng lễ hội. CLB Dân ca bài chòi Sông Yên có 5 thành viên chính thức và một số nghệ sĩ không chuyên, trưởng thành từ các phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn, am hiểu thể lệ cuộc chơi, các làn điệu bài chòi và đặc biệt là có năng khiếu, chất giọng và tâm huyết. Ngoài nhiệm vụ bảo tồn, phục chế nét văn hóa truyền thống phi vật thể, sự ra đời của CLB giúp những người yêu thích các làn điệu dân ca, bài chòi có điều kiện trau dồi, phát huy tiềm năng ca hát, phục vụ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, nhất là trong các lễ hội, đình làng trên địa bàn huyện.
Sau ngày ra mắt (cuối tháng 1-2011), CLB Dân ca bài chòi Sông Yên đã được mời tham gia phục vụ tại một số địa phương và một số lễ hội trên địa bàn thành phố. Điều làm cho những diễn viên trong CLB thực sự xúc động và hạnh phúc là khi các cụ già, những đôi nam thanh nữ tú chen chúc nhau tham gia và yêu cầu phục vụ tiếp tại Lễ hội Cầu ngư vừa qua. Ông Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB cho biết, chính sự nhiệt tình đó là động lực to lớn để CLB định hướng và phục vụ tốt hơn trong thời gian đến. Cũng theo ông Quế, khi lòng đam mê được tỏa sáng, nếu quyết tâm tập hợp, quy tụ lại sẽ trở thành mô hình hay, thiết thực đáp ứng kịp thời nguyện vọng, nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân.
Bác Phạm Sơn, 74 tuổi, ở tổ 46, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê sau khi xem CLB Dân ca bài chòi Sông Yên phục vụ cho biết, đã hơn 20 năm nay ông mới có dịp nghe lại dân ca bài chòi đúng nghĩa mang đậm chất văn hóa dân gian. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Huyện Hòa Vang thành lập CLB là một hướng đi đúng nhằm khôi phục và giữ gìn nét văn hóa truyền thống. Ông mong rằng, CLB sẽ lưu diễn thường xuyên để nhân dân có cơ hội hưởng thụ, qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Thực ra, từ lâu phong trào hát dân ca bài chòi trên địa bàn huyện Hòa Vang đã phát triển mạnh, vào những năm 90, lúc cao điểm có đến 30 đội. Nhiều đội đã vươn lên tự khẳng định mình, duy trì và tổ chức hoạt động biểu diễn về các khu dân cư và tham gia các liên hoan, hội diễn cấp tỉnh và toàn quốc đạt thứ hạng cao. Nhưng sau đó, phong trào này mai một dần. Những năm gần đây, phong trào hát dân ca bài chòi trên địa bàn huyện Hòa Vang có nhiều chuyển biến tích cực hơn mà CLB Dân ca bài chòi Sông Yên là một minh chứng.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng VH-TT huyện Hòa Vang cho biết, mục tiêu cụ thể của CLB là hướng đến việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho nhân dân, thông qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nếp sống văn hóa-văn minh, phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực của xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm tính kế thừa; xây dựng lực lượng văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng tại địa phương.
Khi thực hiện bài viết này, Chủ nhiệm CLB Đỗ Hữu Quế vui vẻ cho biết, sau gần một tháng hoạt động, đến nay CLB đã bắt đầu tích lũy được nguồn kinh phí kha khá. Đây chính là cơ sở bước đầu để CLB tiếp tục phát triển.
Bài và ảnh: VĂN NỞ