.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Đều đặn đỏ đèn trong mùa du lịch

.

Tháng đầu tiên của năm 2011, mỗi tuần 2 buổi (tối thứ tư và tối thứ bảy), Nhà hát Tuồng (NHT) Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn đều đặn đỏ đèn phục vụ khách du lịch lúc đang mùa.

Mô tả ảnh.
Trích đoạn tuồng “Mạnh Lương ra hang”.

Như một sự tiếp nối...

Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách NHT Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, thực tế, việc biểu diễn Tuồng phục vụ khách du lịch đã có từ lâu, nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. Đó là những buổi các anh em nghệ sĩ xuống tận tàu diễn những trích đoạn Tuồng, lúc đi theo tour du lịch, khi diễn phục vụ các đại hội lớn… Thời điểm đánh dấu bước chuyển phải là khi 3 Sở sáp nhập thành Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở mới đã chủ trương xin kinh phí của thành phố cho việc biểu diễn tuồng nói chung, tiếp đó là kinh phí dành riêng việc phục vụ du lịch. Năm 2010, Đà Nẵng chọn Du lịch làm mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đề đạt của Sở nhanh chóng được thông qua. Vậy là, từ giữa năm vừa qua, với kinh phí hỗ trợ từ thành phố, các đêm diễn phục vụ khách du lịch hằng tuần được tổ chức bài bản tại NHT Nguyễn Hiển Dĩnh.

Lúc đầu, có 4 đoàn thay phiên nhau biểu diễn (đoàn NHT Nguyễn Hiển Dĩnh; Đoàn NH Trưng Vương, Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước, Đoàn nghệ thuật Minh Nhật), nhưng sau chỉ còn 3 đoàn (Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước do điều kiện không thể tiếp tục biểu diễn), nhưng bao giờ đoàn NHT Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn giữ vai trò chủ chốt. “Bức tranh quê” (1 và 2) là những chương trình biểu diễn ấn tượng do NHT tổ chức. Tiết mục biểu diễn chủ đạo vẫn là các trích đoạn tuồng cổ đậm chất bác học, giàu tính tượng trưng như “Mạnh Lương ra hang”, “Nguyệt Cô hóa cáo”… Bên cạnh đó là những đoạn múa Trình Tường; múa dân gian Apxara; độc tấu nhạc cụ dân tộc… làm tôn thêm vẻ đẹp đất nước, sự phong phú của các loại hình nghệ thuật. Những tiết mục đậm chất dân gian, mang đặc trưng vùng miền được khán giả đánh giá cao.

Ít người xem, vẫn diễn…

Từ đầu năm nay, thành phố ngừng cấp kinh phí hỗ trợ nên các đoàn phải “tự thu tự chi”, số lượng khách đến xem vốn đã là một động lực quan trọng, giờ đây, vai trò động lực ấy càng được nhân lên khi họ là nguồn thu duy nhất cho việc trang trải các chi phí của đêm diễn. Người cầm quân đoàn diễn viên NHT Nguyễn Hiển Dĩnh là NSƯT-đạo diễn Cao Đình Liên tâm sự: “Lượng khách đến xem hằng đêm thường không ổn định, đêm đông khoảng 35-40 người, nhưng có đêm chỉ khoảng 10 người, tiền bán mỗi vé chỉ 50 ngàn đồng/người, trong khi chi phí mỗi đêm diễn xấp xỉ 5 triệu đồng, chỉ cần nhẩm sơ cũng có thể thấy rõ sự… chật vật. Thường thì phải lấy những khoản thu từ các sô diễn khác bù vào. Ngoài việc lo kinh phí, NHT phải còn làm công tác tư tưởng cho các nghệ sĩ, diễn viên vì họ phần lớn là những người còn rất trẻ. Sắp tới, bên cạnh việc chủ động trau dồi nghệ thuật như một tất yếu, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía thành phố, dù thế nào cũng sẽ duy trì việc biểu diễn đều đặn, vì đây là một hoạt động có ý nghĩa…”.

Niềm an ủi lớn nhất đối với các nghệ sĩ, diễn viên là, khi đã đến, người xem (cả trong nước và quốc tế) rất thích thú các tiết mục biểu diễn. Do đó, không kể nhiều hay ít, chỉ cần nhìn thấy vẻ hào hứng trên khuôn mặt khán giả là các anh chị như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, tiếp tục vượt lên những áp lực mưu sinh, để biến niềm mong mỏi tạo lập một điểm hẹn văn hóa thành hiện thực, trong tương lai không xa.

Bài và ảnh: Trần Thanh Tân

;
.
.
.
.
.