.

Sức hút lễ hội đua thuyền truyền thống

.

Trên dòng sông Cu Đê hiền hòa, các thuyền đua nhau lao vun vút trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân đứng hai bên bờ, trong đôi mắt háo hức và lạ lẫm của con trẻ , xen lẫn ngạc nhiên của khách bộ hành...

 

Mô tả ảnh.
Người dân háo hức xem hội đua thuyền trên sông Cu Đê.

Trong tiết trời se lạnh của tháng Giêng Tết Tân Mão, hàng ngàn người dân đã tập trung tại cầu Nam Ô, hạ lưu sông Cu Đê để xem 12 đội đua của các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc thuộc địa bàn quận Liên Chiểu và các đội đến từ quận Hải Châu, quận Ngũ Hành Sơn, (TP. Đà Nẵng), Duy Tân - Duy Xuyên, Điện An - Điện Bàn (Quảng Nam), thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) tham gia tranh tài với cự ly 2 vòng đôi dành cho nam và 1 vòng đôi dành cho nữ. Lệnh xuất phát vừa dứt, những chiếc thuyền như mũi tên xé nước lao đi vun vút trong tiếng hò reo và tiếng trống mõ ở hai bên bờ. Những cổ động viên còn vẫy cờ, mặc áo đồng phục để động viên đội nhà giành chiến thắng. Các vận động viên thì dốc hết sức với những đợt chèo mạnh, nhịp nhàng để đưa thuyền vút đi thật nhanh, vượt đội bạn.

Ông Lê Văn Hùng (65 tuổi) - một người dân ở Hòa Hiệp Bắc - bộc bạch: “Năm nào tôi cũng dẫn mấy đứa cháu ra đây xem đua thuyền, chúng thích lắm. Đối với chúng tôi, đây thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc”. Còn Mai Thu Hương, sinh viên Trường ĐHSP cho biết: “Mình đến thăm một người bạn ở gần đây và lần đầu tiên được tham gia vào lễ hội này. Mình thấy nó không chỉ độc đáo bởi nét rất riêng mà còn mang tính thể thao, thể hiện sự khỏe khoắn của người dân vùng sông nước”.

Sau đợt tranh tài sôi nổi, ở nội dung đua thuyền nữ, đội thuyền quận Ngũ Hành Sơn đoạt giải nhất, đội phường Hòa Hiệp Bắc đoạt giải nhì, giải ba thuộc về đội Điện An - Điện Bàn, giải khuyến khích thuộc về đội nữ Duy Tân-Duy Xuyên. Ở nội dung đua thuyền nam, đội thuyền Điện An - Điện Bàn đoạt giải nhất, đội thuyền Hòa Hiệp Nam 1 đoạt giải nhì, đội Hòa Hiệp Bắc 2 đoạt giải ba và đội Hòa Hiệp Bắc 1 đoạt giải khuyến khích. Vận động viên Nguyễn Thị Dung cho biết: “Dù đội nhà không đoạt chức vô địch, nhưng em cảm thấy rất vui. Đây thật sự là một sân chơi bổ ích để các đội có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau”.

Đua thuyền đã trở thành một lễ hội truyền thống của người dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Người già kể lại rằng: Chẳng biết lễ hội này có từ khi nào. Chỉ biết rằng, ngày xửa ngày xưa, để cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng thì mỗi dịp đầu xuân, ông bà thường tổ chức lễ hội đua thuyền. Đội làng nào chiến thắng trong cuộc đua năm đó, cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, cá tôm đầy khoang. Đến bây giờ, đua thuyền đã trở thành thông lệ vào mỗi dịp đầu năm.

Một thành viên trong Ban tổ chức cho biết: Trước lễ hội một tuần, từ làng trên xóm dưới, đi đâu cũng nghe bàn đến chuyện đua thuyền, thôi thì từ chuyện tập luyện chuẩn bị đua cho đến chuyện thăm hỏi, động viên các thành viên tham gia thi đấu, rồi bàn về các chiến lược, chiến thuật để chiến thắng thuyền bạn. Người già trong làng còn dành cả buổi để truyền đạt cho con cháu những kinh nghiệm sông nước, hay ngồi bên tách trà nhớ lại thời tuổi trẻ với những kỷ niệm cùng hội đua thuyền. Rồi từ sáng tinh mơ, trước khi cuộc đua bắt đầu, các già làng trong thôn và các trai làng đã ra bờ sông thắp hương để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Hai bên bờ sông, người dân vùng Kim Liên, Nam Ô đã đứng khá đông háo hức chờ xem và cổ vũ cho đội nhà...

Hoạt động đua thuyền không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi làng nữa mà đã mở rộng dần với sự tham gia của nhiều đơn vị bạn. Câu lạc bộ đua thuyền phường Hòa Hiệp Bắc cũng được thành lập từ năm 2006, đại diện cho quận tham gia các giải đua thuyền do thành phố tổ chức và vừa góp mặt cùng với đội đua thuyền của thành phố tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc. Dù ngày càng có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn phục vụ người dân, nhưng Lễ hội đua thuyền vẫn là nét đẹp độc đáo, đặc trưng riêng của người dân vùng sông nước, tạo nên một phần bản sắc văn hóa Việt mà mỗi người con đi xa ai cũng nhớ về.

Bài và ảnh:PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.