.

Ông đồ giữa phố

.

Tôi gặp “ông đồ” Văn Chi trong đêm thơ Nguyên tiêu vừa rồi, đó là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt cảnh “ông đồ” với “mực tàu, giấy đỏ” và vây quanh là những cặp mắt háo hức của những người xin chữ. Quả là một cảnh tượng đẹp. Tôi tìm đến nhà ông ngay sau đó để được hiểu hơn về con người đang theo đuổi một thứ nghệ thuật cổ xưa giữa lòng thành phố sôi động - Nghệ thuật thư pháp.

 

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa.

Mặc dù là người gốc Đà Nẵng, nhưng khi tiếp xúc, qua phong thái, cách chuyện trò… ai cũng nghĩ ông là người miền Nam mới phải. Ông hồ hởi dẫn tôi đến một căn phòng nhỏ nhắn nhưng được bày biện một cách đẹp mắt các sản phẩm thi, họa, câu đối… trên nền đủ loại đá, gỗ, lụa… do chính tay ông thảo nên trong mấy chục năm qua. Nơi đây cũng chính là lớp học mà hằng ngày sẽ có những bạn trẻ yêu thư pháp tìm đến để được ông đồ Văn Chi dạy.

Khi chúng tôi đến, có hai học trò là Trương Văn Phương (sinh viên năm 1 - Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Tôn Thất Hữu Thọ (sinh viên năm 2 - Đại học Kiến trúc) đang miệt mài bên bàn viết. Các em bảo: “Khó lắm chị à, ngay thao tác đầu tiên là cầm bút, bọn em loay hoay hơn cả tuần nay mà vẫn chưa đạt”. Nghe qua lời giảng giải của thầy dạy thư pháp, đúng là không đơn giản chút nào: Phải đổ bút một góc 90 độ (hoặc ít nhất là 80 độ) so với mặt phẳng giấy thì viết mới có lực, mới tạo được nét xước đem lại cảm giác hư thật, tạo hồn cho chữ. Hơn nữa, cầm bút đứng mới có thể vận bút (một thao tác không thể thiếu đối với nghệ thuật thư pháp), cao hơn nữa, mới thể hiện được “bốn phương tám hướng” trong vũ trụ, đất trời…

Thầy đồ Văn Chi cho biết, ông đã yêu thích và đến với bộ môn thư pháp này từ những ngày còn là sinh viên khoa xã hội và nhân văn Sài Gòn. Mỗi lần bắt gặp một bức thư pháp đâu đó, ông cứ dán mắt vào, không rứt ra được những đường nét uốn lượn đầy tính nghệ thuật của chữ nghĩa. Ông học từ nhiều thầy, mỗi thầy một phong cách đã cho ông những am hiểu khá bài bản về nghệ thuật thư pháp.

Thư pháp không chỉ đơn giản là phép viết chữ sao cho đẹp, thư pháp hay thư đạo trong hàm nghĩa sâu xa còn là phương tiện để biểu hiện tâm, ý, khí, lực của người dụng bút. Con người thẳng thắn, bộc trực thường có nét chữ đứng, rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát; người nội tâm, điềm tĩnh thì nét chữ thường mềm mại và đầy ẩn ý; người khắc khổ thì khó mà có nét bút phóng khoáng được…

Với mong muốn nhân rộng loại hình nghệ thuật độc đáo này đến giới trẻ, nâng lên thành một nét bản sắc độc đáo trong vốn văn hóa dân tộc Việt Nam, nên ngay từ những ngày đầu ông đã xác định theo đuổi bộ môn “thư pháp chữ Việt”. Vẫn lối viết xưa với đầy đủ “văn phòng tứ bảo” (mực, nghiên, giấy, bút) chỉ khác là để viết chữ Việt, ý Việt chứ không phải chữ Tàu. Ông lý giải rằng, ngày xưa dân ta chưa có chữ mới phải mượn chữ Tàu, giờ không có lý do gì để tiếp tục nữa; với lại, viết chữ Tàu lớp trẻ ngày nay mấy ai hiểu được, viết ra chỉ để trang trí nghĩa là đã làm uổng phí giá trị của thư pháp.

Nói về triển vọng của những người trẻ đang theo học thư pháp, ông chỉ mong trong 10 người theo học có khoảng vài người học nên là được rồi. Viết thư pháp hay cho chữ đòi hỏi phải hội tụ cả 3 yếu tố “lực, tâm và trí”… không phải ai cũng làm được, người ít thông hiểu chữ nghĩa, lẽ đời thì khó mà thành nghề được. Chẳng hạn, tùy từng đối tượng mà người viết thư pháp quyết định nên cho chữ gì, không phải ai cũng “Phúc, Lộc, Thọ”… không phải ai cũng viết đi viết lại những câu triết lý nhàm chán. Vậy mà điều đáng buồn là hiện nay có một số bạn trẻ cầm bút chưa chuẩn đã liều lĩnh trải chiếu “viết thư pháp, cho chữ” như ai !! “Thật tội cho chữ Việt” - ông Văn Chi bức xúc.

Mấy năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các nhà thư pháp lại sắm vai “ông đồ” bên công viên để đem lại một chút dư vị của Tết cổ truyền trong lòng thành phố trẻ. Nhưng lắm lúc, các ông đồ cũng tủi phận, giá như Đà Nẵng đầu tư bài bản hơn trong các dịp lễ hội truyền thống như ở hai đầu đất nước, thì mong mỏi của những người nguyện làm “những viên gạch lát đường” cho nghệ thuật thư pháp chữ Việt như ông đồ Văn Chi và những người cùng thế hệ ông mới có thể sớm trở thành hiện thực.

Trần Thanh Tân

;
.
.
.
.
.