Âm nhạc là một phần không thể thiếu cho pháo hoa lung linh tỏa sáng và thăng hoa. UBND thành phố Đà Nẵng đã chính thức chọn bài hát “Sắc màu Đà Nẵng”, nhạc và lời Trần Ái Nghĩa để làm nền nhạc chính cho phần thi pháo hoa của đội Đà Nẵng - Việt Nam năm 2011 với chủ đề Lung linh sông Hàn.
Pháo hoa tỏa sáng trên sông Hàn. |
Theo nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa - người viết ca khúc và kịch bản văn học cho nhạc nền pháo hoa năm 2011 - kịch bản sẽ được chia thành 4 phần, mỗi phần gắn liền với thiên nhiên, đất nước và con người Đà Nẵng.
Lung linh biển rộng - núi cao là phần mở đầu cho kịch bản với hình thức khí nhạc. Mở đầu với tốc độ Andante thể hiện một không gian hoành tráng, uy nghi (lấy chất liệu từ hò giựt chì làm âm hình chủ đạo), hình tượng âm nhạc diễn tả biển rộng, núi cao và bầu trời xanh thẳm… Tất cả những hình ảnh đó nổi bật trên một phần nền long lanh, êm nhẹ, biếc xanh được trì tục bằng một hòa âm thoảng chất dân gian (ngũ cung), tạo nên sự tương phản, lung linh của trời xanh, núi cao, biển rộng soi bóng xuống dòng sông Hàn thơ mộng. Tiếp theo, vẫn với chất liệu hò giựt chì, nhưng tiết tấu được đẩy lên làm cho sự tương phản thêm rõ nét. Thủ pháp biến tấu, cùng với kỹ thuật đảo ảnh và sử dụng âm sắc nhạc cụ đuổi nhau, tạo nên sự lung linh, sống động và hùng vĩ trên dòng sông.
Phần thứ hai với chủ đề Lung linh bóng dáng những công trình. Mở đầu phần này là âm sắc hiện đại, thể hiện cho tiếng còi tàu, tiếng cần trục, tiếng máy, tiếng của nhịp sống sôi động… Tiết tấu của trống và guitare bass làm chủ đạo, được khắc họa nhịp nhàng và chắc chắn, trẻ trung, sôi động. Trên nền nhịp điệu ấy vút lên điệu nhạc laftieengs guitare distortion ngẫu hứng với kỹ thuật điêu luyện, tạo nên hình ảnh những tầm cao mới của những công trình thế kỷ.
Kịch bản văn học và âm nhạc cho đội Đà Nẵng tham dự Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2011 với chủ đề Lung linh sông Hàn của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa; sáng tác và dàn dựng nhạc nền gồm các nhạc sĩ: Trần Ái Nghĩa, Xuân Minh, James Conder; ca sĩ thể hiện: Mỹ Linh, James Conder, Thanh Trà, Khắc Huy, Mỹ Phượng. Nhạc công diễn tấu: Keyboard Xuân Minh, Saxophon Ngọc Minh, Trompette Trung Đông, Violon Vĩnh Thuận, Guitar solo Minh Đức, Sáo trúc Mạnh Hùng. Nghệ sĩ Trần Thị Tám đọc lời bình. |
Những âm sắc tạo nên sự huyền ảo, mới lạ và lãng mạn đó là hình ảnh những chiếc cầu hiện đại và xinh đẹp đã và đang bắc qua sông Hàn được giai điệu và tiết tấu tạo nên bằng hình tượng âm nhạc sống động, hấp dẫn… Đó là nội dung chính của phần ba. Lấy cảm xúc từ âm hình chủ đạo ca khúc “Lung linh sông Hàn” của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, nhưng tương phản với nhịp điệu cuồng nhiệt, tươi trẻ và rộn ràng của tiết điệu samba. Nhạc sĩ sẽ vẽ lên chân dung chân chất, gần gũi, thân thiện và hiền hòa của người Đà Nẵng trước tấm gương soi sông Hàn. Một giai điệu mênh mang, trữ tình, tha thiết làm xao xuyến lòng người như câu hò khoan xa xưa vẫn còn vang vọng đến hôm nay “Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Mưa mai có bạn nắng chiều có ta…”.
Theo nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, phần bốn được sáng tác với thể loại ca khúc như một coda (Khúc huy hoàng) để kết thúc cho đội pháo hoa của Đà Nẵng - Việt Nam, bằng tiết tấu sôi động, cuồng nhiệt, vui tươi của tiết điệu Samba. Bài hát sẽ tạo sự cảm nhận dễ dàng về nội dung cho đông đảo người xem Việt Nam qua phần trình bày của ca sĩ bằng ca từ tiếng Việt và chắc chắn sẽ tạo được sự đồng cảm với khán giả quốc tế qua phần trình bày của ca sĩ bằng tiếng Anh (ở lần thứ 2).
Đà Nẵng, thành phố của sắc màu thiên nhiên ban tặng, sắc màu của những công trình mới hôm nay và sắc màu của cuộc sống nhiều đổi thay qua chân dung người Đà Nẵng, đang hứa hẹn đem đến cho người xem những giai điệu mới không chỉ vút cao và thăng hoa trong nghệ thuật mà còn thể hiện nhịp sống năng động, thân thiện và mến khách của Người và Đất nơi đây!
Bài và ảnh: VĂN NỞ