Giữa bao tất bật, bon chen của phố phường, có một nơi mà tình yêu nghệ thuật và ý thức vun đắp cho tình yêu ấy đã là động lực để người ta hình thành và duy trì một thói quen, một nếp văn hóa độc đáo: làm sao mỗi năm ít nhất một lần, người dân được nô nức đi xem hát tuồng.
Từ hơn mười năm nay, đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp xuân về, Phòng VHTT quận Thanh Khê lại mời các diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh lên biểu diễn phục vụ người dân. Địa điểm biểu diễn sẽ được Ban tổ chức chọn luân phiên giữa các phường như năm này phường Xuân Hà, thì sang năm sẽ là Thanh Khê Tây và sang năm nữa là Thanh Khê Đông, v.v...
Theo chị Phan Thị Hà Bắc, Phó trưởng Phòng VHTT quận, thì không phải ngẫu nhiên mà quận nhà hình thành được thông lệ trên. Thanh Khê vốn là vùng đất của tuồng nên thị hiếu của người dân nơi đây rất thích hát và xem tuồng. Việc Thanh Khê trở thành quận duy nhất có tổ chức cho người dân xem hát tuồng miễn phí phần để thỏa mãn thị hiếu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, phần cũng là để giữ gìn bản sắc của dân Thanh Khê, giữ gìn vốn văn hóa cổ.
Được biết, lượng khách hằng năm vẫn khá ổn định, trừ những năm rét quá, người xem có giảm, vì khán giả của tuồng phần đông vẫn là các cụ già (họ không tự đi được, có khi đến nơi rồi, không chịu được rét phải về giữa chừng)... Còn phần lớn các năm trời ấm thì khách đến xem rất đông, có những cụ ở tận phường Tân Chính, Vĩnh Trung cũng lặn lội lên xem tuồng. Cụ Nguyễn Thị Bé, ở phường Thanh Khê Đông - một khán giả lâu năm của tuồng móm mém: “Cụ thích xem tuồng lắm, có năm rét lại mưa, không có người chở đi xem mà cứ tiếc ngẩn, tiếc ngơ cô ạ”.
Có thể thấy, vấn đề thời tiết dường như là một trở ngại không nhỏ cho Ban tổ chức và người xem tuồng. Có năm tổ chức ngoài bãi biển, gặp thời tiết không thuận lợi, đành phải dời địa điểm đã chuẩn bị hoành tráng giữa chừng để dân có thể tiếp tục xem. Bên cạnh rào cản thời tiết, kinh phí của các đêm diễn cũng là vấn đề khiến những người tổ chức phải đau đầu. Hồi năm 1998, 1999, mỗi đêm diễn chỉ mất khoảng 2 triệu, nhưng bây giờ ít nhất phải 8 triệu đồng bồi dưỡng cho đoàn, mỗi đợt diễn 3 đêm và kinh phí hoàn toàn từ ngân sách của quận. Tuy nhiên, Phó trưởng Phòng VHTT quận khẳng định, khó khăn có thể khắc phục được, chỉ mong quận làm được một việc có ý nghĩa cho người dân, cho thành phố.
Điều đáng mừng là lượng khán giả trẻ đến với tuồng có xu hướng tăng theo từng năm. Một thanh niên bày tỏ: “Em rất tự hào vì chỉ riêng quận mình mới có những đêm diễn nghệ thuật thú vị và bổ ích như vậy”. Qua quan sát, chị Bắc cho biết, “có những thanh-thiếu niên đứng xem say sưa từ đầu đến cuối”. Có đêm nhiều khán giả phấn khích (đặc biệt là các Việt kiều) tung tiền thưởng cho các diễn viên tuồng lên đến mấy triệu. Điều này không chỉ đem lại giá trị vật chất mà nó có tác động khích lệ lớn đối với những nghệ sĩ, diễn viên. Nó cũng góp phần chứng tỏ một sự thật là người dân yêu và xem trọng tuồng. Ngay cả chị, người đứng ra tổ chức chương trình biểu diễn, năm nào cũng xem, có những vở tuồng cổ diễn đi diễn lại nhưng càng xem, càng thấy thấm, càng hiểu được cái hay, vẻ đẹp đậm đà của tuồng.
Hy vọng rằng, những tình yêu tiếp nối, những niềm đam mê được truyền lửa sẽ giúp khôi phục và phổ biến loại hình nghệ thuật Tuồng đặc sắc của vùng đất, của dân tộc.
Thanh Tân