Tôi gặp ông vào một ngày trời trở gió, vết thương cũ lại tái phát nhưng ông cố gượng dậy để hoàn thành phần cuối cùng tác phẩm “Chân dung Bác Hồ”. Đối với ông, đây là công trình nghệ thuật nhằm chào mừng kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng và 121 năm Ngày sinh của Bác.
Ông Hùng đang hoàn thành phần cuối cùng tác phẩm chân dung Bác Hồ. |
Ông là Lê Ngọc Hùng, thương binh ¼, hiện ở tổ 47, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Niềm đam mê vẽ tranh và làm thơ đối với ông là để đem lại niềm vui cho đời, quên đi những vết thương trên da thịt khi trời trở gió. Nhưng những người xem tranh và đọc thơ ông đều bắt gặp những “bức tranh ở trong thơ” và thấy “thơ ở trong tranh” như một người nghệ sĩ tài hoa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như bao trai làng khác, ông xung phong vào chiến trường ác liệt. Ông từng ở tù 10 năm, trong đó có 8 năm ở Côn Đảo. Khi trao trả tù binh, dù còn là bệnh binh nhưng ông vẫn tiếp tục chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Quảng Đà đến khi bị thương nặng cụt cả hai chân. Nhưng bằng ý chí và nghị lực của người cộng sản, ông cố vượt lên chính mình để xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc. Trong dòng máu anh hùng ấy, luôn nuôi dưỡng tâm hồn của một người nghệ sĩ, để rồi khi nhớ về đồng đội, ông lại sáng tác, lại viết và làm tranh.
Trước đây, tranh của ông được nhiều người biết đến với những chất liệu “không giống ai” như phim chụp, hoa khô, tăm tre, vỏ ốc… Và những tác phẩm của ông luôn để lại trong lòng người xem một ấn tượng sâu sắc. Những năm gần đây, tình cờ ông xem ti-vi, thấy ở thành phố Hồ Chí Minh các nghệ nhân làm tranh bằng gạo rang. Thế là ông mày mò học làm theo. Ông cho biết, làm tranh bằng gạo rất thuận lợi vì nguyên liệu dồi dào, không phải tìm kiếm đâu xa. Chỉ có điều rất cần sự chu đáo, tỉ mỉ, công phu khi rang gạo và rất tốn thời gian để hoàn thành một tác phẩm. Ông cho biết, từ hạt gạo có màu trắng đục như vậy, nhưng khi rang chín sẽ cho ra được rất nhiều màu. Bốn màu cơ bản là trắng, vàng, nâu, đen.
Nhưng nhờ nắm chắc được kỹ thuật rang, nên nó sẽ cho ra nhiều màu na ná nhau như vàng sẽ có vàng lợt, vàng đậm; nâu thì sẽ có nâu lợt, nâu đậm và màu đen sẽ có đen xám và đen tuyền… Cũng từ những màu đó, khi giã ra và pha trộn với nhau theo tỷ lệ thích hợp thì sẽ có được nhiều màu sắc khác. Bằng sự tỷ mẩn và kiên trì của bản thân, đến nay ông đã làm thành công nhiều bộ tranh từ hạt gạo với đủ các đề tài như con vật (bộ 12 con giáp), tranh thiên nhiên, chân dung thiếu nữ, tranh thư pháp… Nhưng có lẽ, tâm huyết và công phu nhất đối với ông là chân dung của Bác Hồ kính yêu. Khi làm bức chân dung này, ông gửi vào đó nguyên vẹn tấm lòng kiên trung của người cộng sản, nghị lực của người thương binh, đúng như lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Ngoài những bức tranh làm từ gạo rất kỳ công và tinh xảo, những năm gần đây, nhiều người còn biết đến cái tên Lê Ngọc Hùng qua những vần thơ chan chứa đầy ắp thương yêu dành cho đồng chí, đồng đội và tình yêu quê hương đất nước. Sáng tác thơ đối với ông chỉ là niềm vui để quên đi tuổi già, quên đi nỗi đau trên da thịt khi trời trở gió. Nhưng không vì thế mà ông hời hợt với câu từ, ông luôn nghiêm khắc trong cách dùng từ và trải lòng mình qua những vần thơ. Chính vì thế, trong một lần vô tình, tập bản thảo thơ ông đã đến tay những người làm công tác xuất bản của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Ngay sau đó, tập thơ có tựa đề “Mãi yêu” gồm 36 bài được lựa chọn trong hàng trăm bài thơ của ông in trang trọng và xuất bản trên toàn quốc.
Chia tay chúng tôi, ông thổ lộ mong ước của mình là muốn truyền nghề làm tranh từ hạt gạo cho các trẻ em khuyết tật, bởi đây là một trong những loại hình nghệ thuật mới ở Đà Nẵng, được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, ông mong muốn thông qua một tổ chức xã hội, từ thiện nào đó để bán đấu giá toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật được làm từ gạo để ủng hộ cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Để kết thúc bài viết này, xin trích những câu thơ trong tập thơ “Mãi yêu” của ông. “Mãi nhớ bạn, nhớ người tri kỷ/ Đau đáu nhớ biết bao nhiêu đồng chí/ Đã đi rồi! Và đang đợi tôi đi/ Trước khi đi tôi để lại những gì? Xin để lại những lời hay, ý đẹp…/ Để lại những vần thơ có thép!/ Những vần thơ trẻ mãi với thời gian”.
Bài và ảnh: Đặng Văn Nở