.

Cần đổi mới phương thức hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã

.
Kỳ 1: Từ năm 2000, 14 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) ở Đà Nẵng ra đời đóng góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Họ đã có nơi thuận tiện để đọc sách báo, gửi  thư, điện thoại, gửi và nhận bưu phẩm, tìm hiểu kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Nhưng những năm gần đây, hoạt động của các điểm BĐVHX đã không còn hiệu quả, nhiều nơi hoạt động cầm chừng.

Mô tả ảnh.
Người dân ít đến đọc sách báo nên điểm BĐVHX phải đóng cửa sớm. (Ảnh chụp ở  điểm BĐVHX Hòa Bắc lúc 4 giờ  chiều ngày 25-3)
 
Chúng tôi đã đi khảo sát tại một số điểm BĐVHX, hầu hết trang thiết bị vẫn đầy đủ, gồm cabin điện thoại, tủ sách, bảng giá cước, bảng niêm yết giờ mở đóng cửa, bản tin, bàn ghế cho người dân đến đọc báo và các bảng quảng cáo dịch vụ bưu chính-viễn thông… Một số đầu báo vẫn được cấp miễn phí như Nhân Dân, Đà Nẵng, Bưu điện Việt Nam, Công báo. Ngoài ra, nhiều loại sách, báo chuyên ngành như báo Nông thôn ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, Khoa học và đời sống… cũng được cung cấp đầy đủ, nhưng lượng người đến với điểm BĐVHX thì ngày một ít đi.

Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Thị Thanh Thủy, nhân viên điểm BĐVHX Hòa Liên, cho biết: “Không phải chỉ riêng điểm BĐVHX ở Hòa Liên mà hầu như tất cả các điểm BĐVHX trên địa bàn thành phố thời gian gần đây đều có chung tình trạng người dân ít đến, một ngày có vài ba người đến gửi thư, nhận bưu phẩm, công văn… Bên cạnh đó, lượng sách báo có hạn, thông tin không đáp ứng đủ nhu cầu người dân nên cũng ít ai đến đọc, phần lớn là người trung niên, cao tuổi, còn giới trẻ bây giờ không mấy ai quan tâm đến những loại sách, báo này nữa”.

“Một trong những nguyên nhân khiến các điểm BĐVHX vắng người là bây giờ hầu như gia đình nào cũng có điện thoại cố định, điện thoại di động. Nhiều gia đình còn sắm được máy tính kết nối Internet. Mặt khác, do suốt ngày bà con phải đi làm, chỉ rảnh một chút buổi trưa và buổi tối thì để nghỉ ngơi, không có thời gian ra BĐVHX”, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhân viên điểm BĐVHX Hòa Tiến nói.

Từ năm 2006 đến nay, mạng lưới điện thoại di động phát triển mạnh, người sử dụng dịch vụ viễn thông tại các điểm BĐVHX cũng ít đi và có thời điểm hầu như không có. “Điểm BĐVHX vốn là nơi thực hiện công ích, cung cấp các dịch vụ bưu chính-viễn thông, phục vụ bà con đến đọc sách báo, tiếp cận tri thức, nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng qua nhiều năm, Đà Nẵng chịu nhiều thiên tai, bão lũ, số đầu sách tại các điểm bị ẩm ướt, hư hỏng, hao hụt đi rất nhiều. Trong khi đó, các cơ quan liên quan khác cũng cắt giảm đầu sách, doanh thu từ các điểm không đáng kể mà tiền sửa chữa các trang thiết bị, trả lương cho nhân viên… thì cao, khiến Bưu điện cứ phải bù lỗ”, chị Nguyễn Thị Phi Oanh, Phòng Kinh doanh-Nghiệp vụ, phụ trách các điểm BĐVHX Bưu điện Đà Nẵng, cho biết.

Đà Nẵng hiện có 14 điểm BĐVHX với tổng kinh phí thực hiện ban đầu của mỗi điểm từ 65 - 120 triệu đồng. Nếu như trước đây, điểm BĐVHX hình thành là một “Điểm sáng văn hóa” góp phần mang kiến thức pháp luật, nối liền thông tin đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì bây giờ, những điểm này đã không còn phát huy hiệu quả.

Ông Đặng Đình Cơ, Giám đốc Bưu điện thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Giai đoạn năm 2000-2001, doanh thu một điểm BĐVHX có tháng lên gần 10 triệu đồng, nhưng nay chỉ được vài trăm ngàn, thậm chí có điểm chỉ 50 - 70 ngàn đồng/ tháng. Dịch vụ ca-bin điện thoại không còn mấy ai sử dụng, nguồn thu chính của các điểm BĐVHX vì thế cũng mất đi. Kinh doanh không có lãi, đời sống nhân viên gặp khó”.

Phải nói rằng, tình hình chung hiện nay, nhu cầu thông tin ở các xã thay đổi nhiều, vai trò các điểm BĐVHX không còn như trước đây, vậy nên chăng các cơ quan liên quan có cuộc khảo sát các điểm BĐVHX để có những bước đi phù hợp?

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.