Từ bao đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm đã trở thành truyền thống và được xem là điểm tựa của tinh thần văn hóa dân tộc. Mỗi người dân đất Việt, dù đi đâu về đâu cũng nhớ về cội nguồn dân tộc. Để rồi cứ đến ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm, tất cả lại tụ về vùng đất thiêng Đền Hùng tri ân công đức Tổ tiên, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Con Rồng cháu Tiên từ khắp mọi miền đất nước hành hương về miền đất Tổ. Ảnh: V.Nở |
Một trong các giá trị văn hóa dân gian còn lưu truyền đến ngày nay là truyền thuyết về Bọc trăm trứng, về họ Hồng Bàng lý giải nguồn gốc và mối quan hệ dân tộc. Mỗi người Việt Nam, dù ở vùng núi cao hay miền duyên hải, dù là dân tộc Kinh hay các dân tộc thiểu số, đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng, đều là con dân đất Việt, đều lấy đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau làm lẽ sống, làm sức mạnh tinh thần trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Người Việt Nam có tín niệm sâu sắc về Tổ quốc, về nguồn gốc, tổ tiên. Các truyền thuyết về Bọc trăm trứng, về họ Hồng Bàng gắn liền với các dấu tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không chỉ là biểu hiện của nhu cầu cố kết cộng đồng để mưu sinh, mà còn phản ánh những khát vọng tình cảm, tâm linh cùng quyết tâm hướng tới khối đoàn kết quốc gia, dân tộc. Cũng giống như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhưng người Việt là dân tộc duy nhất có chung ngày Giỗ Tổ. Đồng bào Việt Nam có câu ca truyền đời, nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng luôn biết nhớ về nguồn cội: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hiện nay quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng lớn, đáp ứng nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Năm nay, cùng với tỉnh Phú Thọ - vùng đất Tổ - còn có 5 tỉnh tham gia: Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Đồng Tháp đại diện cho 3 miền trong cả nước. Làm sinh động phần hội có các hoạt động văn hóa đặc sắc, đại diện cho các tỉnh, thành để bổ sung vào chương trình lễ hội. Việc tôn vinh văn hóa dân tộc không chỉ bó gọn trong các hoạt động, trò diễn hội làng quanh núi Hùng, mà còn là nét đẹp, nét độc đáo của văn hóa 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Lễ hội Đền Hùng năm nay, ngoài chương trình dâng hương tại đền Thượng 10-3 (âm lịch), Ban tổ chức còn tổ chức lễ dâng hương ở đền Lạc Long Quân và đền Mẫu Âu Cơ trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày mùng 5-3, 6-3 (âm lịch) với nghi thức truyền thống, trọng thể, có sự tham gia dâng lễ vật của các huyện, thị, thành trong tỉnh. Đặc biệt có tổ chức hát chầu văn tại đền Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn và liên hoan tiếng hát làng Xoan, trong đó có trình diễn đêm Xoan cổ phục vụ đồng bào và du khách hành hương.
Trong sâu thẳm tâm khảm của người dân Việt, hành hương về Đền Hùng là hành hương về cội nguồn dân tộc. Đền Hùng không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà chính là biểu tượng thiêng liêng cho thời lập nước, mở nghiệp sơn hà của Tổ tiên ta.
Nhằm tôn vinh những bậc tiền nhân có công dựng nước, chúng ta đã và đang gấp rút nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do ông cha ta để lại. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đóng góp công đức của nhân dân cả nước, Đền Hùng đã và đang được tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trang, to đẹp hơn. Ý thức của mỗi người dân khi về thăm viếng Đền Hùng càng thể hiện sự ngưỡng mộ và tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên. Đó là một biểu hiện đáng mừng của con cháu các thế hệ ngày nay biết trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc được kết tinh trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Phú Thọ, Viện Văn hóa-nghệ thuật Việt Nam đã và đang phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng cùng các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương tập trung nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu cần thiết phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để đạt điều này, trong khuôn khổ các hoạt động tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo mang tầm quốc tế về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những hành động thiết thực của con cháu Lạc Hồng trong thế kỷ XXI tri ân công đức tổ tiên.
Những ngày này, con Rồng cháu Tiên từ khắp mọi miền đất nước, từ nhiều nước trên thế giới đang nườm nượp đổ về mong được ướm dấu chân mình lên dấu chân xưa của các bậc tiền bối; thắp nén hương kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng.
VĂN NỞ