.

Nơi lưu giữ “phố phả” của Đà Nẵng

.
Kể từ khi chuyển về địa chỉ mới, nhớ ngày nào, Bảo tàng (BT) Đà Nẵng vẫn còn là một tòa nhà tuy rộng rãi nhưng nơi thì quá trống trải, nơi lại ngổn ngang bởi công việc sắp xếp, trưng bày các hiện vật, tranh ảnh mới chỉ bắt đầu… BT khi ấy còn rất ít người biết đến, vậy mà nay, mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn...

Mô tả ảnh.
Gian văn hóa các dân tộc thiểu số phong phú với các vật dụng, nông cụ của người Cơtu.
 
Từ ngoài cổng nhìn vào, có thể thấy BT là một tòa uy nghi, đường bệ mà thanh thoát, nằm trong khuôn viên di tích thành Điện Hải lừng danh. Ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc BT cho biết: Địa điểm mới rộng rãi, thoáng đãng, là thuận lợi nổi bật để Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với đơn vị thi công triển khai các hạng mục trưng bày. Về tổng diện tích trưng bày, nếu địa điểm cũ chỉ khoảng vài trăm mét vuông thì tại địa điểm mới có đến 3 tầng với tổng diện tích hơn 3.000m2, điều này cho phép không gian bảo tàng tải được nhiều lượng thông tin hơn trước. BT giờ đây không chỉ trưng bày theo kiểu lịch sử biên như khi còn nằm khiêm nhường trên đường Lê Duẩn, mà kết hợp với trật tự biên niên, các hiện vật, tranh ảnh được trình bày theo các bộ sưu tập phù hợp với từng chuyên đề, có điểm nhấn, có không gian tái tạo, bên cạnh là những hiện vật gốc kèm theo. Thiết kế ánh sáng cũng được chú trọng đặc biệt nhằm đạt đến hiệu quả tối đa sức biểu hiện của hiện vật. Cụ thể là ngoài ánh sáng chung, BT đã trang bị một hệ thống chiếu sáng hiện đại với những tính năng chuyên biệt như chiếu sáng điểm, chiếu sáng chùm, chiếu sáng từ trên cao xuống, từ các góc sang…

Với những nét ưu việt ấy, các gian trưng bày của BT giờ đây thực sự hút mắt người xem chứ không dừng lại ở ấn tượng bề ngoài.

Trưng bày tầng 1 của BT được mở đầu ấn tượng bằng Gian long trọng với thiết kế hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng “như một vòng tay lớn ôm lấy biển khơi”; các mảnh đai vách chính tạo thành 5 cánh buồm, tượng trưng cho ngũ hành; các bức phù điêu ghi lại quá trình hình thành, phát triển mảnh đất Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước với những điểm nhấn ấn tượng khắc dấu những trang sử vẻ vang.

Từ tâm điểm - Gian long trọng, các chuyên đề về điều kiện tự nhiên; khảo cổ học; sưu tập cổ vật; cho đến đời sống ngư dân và cảng biển; hai mảng không gian đối lập của Đà Nẵng trước 1975 và hình ảnh Đà Nẵng hội nhập phát triển được trưng bày một cách lưu loát, sống động.

Tầng 2 tiếp tục trưng bày với những chủ đề về lịch sử như: Đà Nẵng đi đầu trong cuộc kháng Pháp từ 1858 đến 1960; Lịch sử đấu tranh cách mạng của thành phố, với những phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho đến năm 1975; Chứng tích tội ác chiến tranh  và các vùng phụ cận... Tầng 3 là nơi giới thiệu về văn hóa các dân tộc, bao gồm các dân tộc thiểu số như Cơtu, Co, Giẻ Triêng…, văn hóa người Việt với những ngôi nhà thuần Việt, không gian Tuồng… Đặc biệt, những tư liệu lịch sử, tranh ảnh, bản đồ về huyện đảo Hoàng Sa được dành một không gian trưng bày trang trọng.

Ngoài ra, diện mạo mới của BT còn được tạo nên bởi sự góp mặt của những cổ vật lần đầu tiên được đưa ra giới thiệu như gốm Chu Đậu, gốm sứ ký kiểu triều Nguyễn, đồ đồng thời Thương - Chu…

Kết quả của Hội đồng sơ duyệt và tổng duyệt do nhà sử học, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - Dương Trung Quốc đứng đầu (hồi cuối tháng 3-2011) đã kết luận: “Nội dung trưng bày BT Đà Nẵng đã thể hiện quan điểm, phương pháp tiếp cận mới, hiện đại về BT học, BT đã tập trung làm rõ được những vấn đề cơ bản về lịch sử-văn hóa của thành phố Đà Nẵng - một thành phố cảng biển, một địa bàn đã và đang diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa mạnh mẽ, sinh động; Đà Nẵng - thành phố anh hùng; Đà Nẵng - một đô thị hiện đại…”.

Những ngày này, BT Đà Nẵng - nơi lưu giữ “phố phả” của thành phố đang rộn rịp với công tác hoàn thiện trưng bày, để chuẩn bị đón những lượt khách đầu tiên vào cuối tháng 4  đầy ắp những sự kiện đang tới.

Bài và ảnh: THANH TÂN
;
.
.
.
.
.