.

Tục nói lý - hát lý của người Cơtu

Nói lý - hát lý theo tiếng Cơtu là p’rá pr’ma-têng bhanoóch, là một loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu rất độc đáo của người Cơtu. Dùng nhiều hình ảnh lạ, sâu kín tạo một sự ẩn ý khá độc đáo, yêu cầu người nghe phải động não suy nghĩ. Nghệ thuật này vẫn được các bậc cao niên gìn giữ ở hầu hết các làng bản Cơtu.

Theo ông Bùi Văn Cầm, già làng thôn Giàn Bí cùng các bậc cao niên ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết: Nói lý - hát lý được dùng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa của người Cơtu, được xem là nghệ thuật “so tài” giữa các cụ cao niên, tiền bối làng này với các cụ cao niên tiền bối làng kia, giữa chủ nhà với khách.

Sau khi chủ nhà chuẩn bị xong và dọn lên mâm tiệc đón khách, người đại diện bên chủ là người có uy tín, có kinh nghiệm sống, có trình độ trong việc nói lý - hát lý khởi xướng đầu tiên vài câu... Người dự tiệc ngồi im chú ý nghe câu lý của chủ nhà nêu ra, thường thì chủ nhà nói khiêm tốn trong việc đãi tiệc tùng. Nghe xong, khách cũng trả lời bằng lý, người trả lời cũng tương xứng ngang người bên chủ...

Hát lý bao giờ cũng sau nói lý, là bước nâng cao giá trị của nói lý. Thường chủ tiệc chọn thời điểm thích hợp để cất lên tiếng hát mở đầu: Ô... ô... adô... achọong, sau đó nói lên nội dung; là những ẩn ý sâu lắng trong truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ví dụ: Hát lý cho những người bề trên trọng nể thì dùng những hình tượng vật có giá trị như con gấu đem mật cho người, con trâu kéo cày giúp cho đời, con voi to xác, vòi quý...

Nói lý - hát lý đôi khi cũng được người Cơtu dùng trong việc giao tiếp sinh hoạt bình thường nhưng ngại khi nói thẳng vào vấn đề, cho nên họ thường nói vòng tức là nói cái này để chỉ cái kia.

Câu nói lý - hát lý của người Cơtu rất đa dạng về ngôn từ. Người ta sử dụng nhiều hình ảnh lạ, sâu kín tạo một sự ẩn ý khá độc đáo, yêu cầu người nghe phải động não suy nghĩ. Do sự kín đáo như vậy, kết hợp với những lý lẽ khó hiểu mà có rất nhiều người khi nghe không nắm bắt hết ý của người nói, người hát muốn đề cập, nên cũng thường gây sự hiểu nhầm. Nhưng trong hát lý, người ta lại thường nói ngầm (nếu muốn trách móc người nào đó) một cách sắc bén, kín đáo, nhẹ nhàng. Một cái hay nữa trong nói lý - hát lý là người Cơtu không bao giờ sử dụng câu nói, câu hát tục tĩu, thiếu văn hóa hay gây mâu thuẫn, mất đoàn kết với nhau mà ngược lại tăng thêm sự đoàn kết, hiểu nhau hơn.

Thay vì giận giữ, chúng ta thường hay dùng những ngôn từ không hay để nói thì người Cơtu dùng nói lý - hát lý để trách móc hay thể hiện sự giận giữ thông qua việc nói ngầm. Bởi vì nói lý - hát lý của người Cơtu không phải dùng triết lý để mổ xẻ, phân tích một sự việc, hiện tượng mà cái lý ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ ví cái này là hiểu nghĩa của cái kia. Vì vậy, nói và hát lý kích thích được người nghe để hiểu sâu công việc một cách cặn kẽ chí tình và đồng cảm với nhau. Bởi vì có những công việc thông thường không thể nói ra được mà dùng lý để nói lên nội dung khúc mắc của vấn đề. Trong nói lý - hát lý, ứng khẩu rất văn hóa, có thể một bên nêu lý căng nhưng đối phương lại nhẹ nhàng lý tình, khẽ khàng và bên nêu lý căng ban đầu lại hạ giọng ngay, mềm dẻo trở lại và đi đến sự thống nhất chung của công việc cần giải quyết. Do vậy, nói lý - hát lý được sử dụng một cách phổ biến trong sinh hoạt của người Cơtu; đồng thời nó còn dùng vào việc giải quyết những việc lớn hệ trọng giữa người với người; làng với làng; xã với xã… như giải quyết mâu thuẫn nội bộ, cưới hỏi, thuê mướn, dùng nói lý - hát lý lừa giặc…

 “Tuy nhiên cái khó của nói lý - hát lý là không có bài mẫu chung để ai cũng học thuộc như bài hát thông thường, mà nó phụ thuộc vào việc ứng khẩu của tác giả, tùy theo trình độ, khả năng và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân, nghệ nhân, người hát. Chính vì thế mà nhiều thế hệ trẻ Cơtu hôm nay rất ít ai nói lý - hát lý được một cách thông thạo, nhuần nhuyễn. Và đây là vấn đề nan giải, bởi vì nghệ thuật văn hóa này có nguy cơ bị mai một và dần mất đi”, ông Đinh Như Siêng, bậc cao niên ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (Hòa Vang) nói.

Anh Đinh Văn Như, một thanh niên tại thôn tâm sự rằng: “Học nói lý - hát lý rất khó, bởi muốn nói lý - hát lý hay và giải đúng nghĩa thì đòi hỏi cần phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sống và kinh nghiệm của cha ông đi trước...”.

Nói lý - hát lý, một nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc Cơtu. Thiết nghĩ cần phát huy, giữ gìn và biên soạn những lời lý hay của các bậc cao niên trong tộc người Cơtu, để lưu truyền cho lớp trẻ, qua đó bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo này.

Kim Oanh

;
.
.
.
.
.