Ghi dấu tuổi thơ bên bậc thềm bảo tàng. Trong ảnh: Học sinh Hòa Liên viết lại cảm nhận sau chuyến tham quan Bảo tàng Chăm.
|
Việc Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Trường tiểu học Hòa Liên cho các em có chuyến tham quan vào dịp này, là hoạt động đầu tiên trong liên tiếp các chương trình thu hút học sinh sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Trước đó, một số trường trên địa bàn thành phố đã thực hiện các buổi ngoại khóa, như Bảo tàng Chăm trong nét vẽ và ống kính học sinh Lê Quý Đôn…
Ở góc độ nào đó, có thể nói trẻ em đến bảo tàng để được biết về quá khứ, còn chúng ta nhìn cái cách các em quan tâm tới bảo tàng để thấy tương lai. Với mọi người, bảo tàng là một trường học lớn. Riêng với trẻ em, bảo tàng như một chân trời bao la các vì sao mang hằng hà câu hỏi lấp lánh. Tuy nhiên, có lẽ không nên kỳ vọng quá nhiều rằng các em đến sẽ học được ngay một điều gì đó, theo kiểu mọi người hay phân loại như học sinh cấp một học mỹ thuật; cấp hai học địa lý, lịch sử; cấp ba học tin học, ngoại ngữ.
Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, để trẻ em đến bảo tàng nhiều hơn, nên chăng có loại vé giảm giá dành cho người dân thành phố Đà Nẵng, hoặc có một sự linh hoạt trong chính sách một giá đối với người nước ngoài lẫn người Việt, nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh đưa con em đi tham quan bảo tàng. Cũng theo ông Thắng, Bảo tàng Chăm mong muốn có nguồn hỗ trợ từ thành phố để ngoài hoạt động thu hút du khách, nơi này còn có thể tổ chức các chương trình tuyên truyền giáo dục văn hóa phi lợi nhuận. Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Bình, Trưởng phòng Hướng dẫn-Tuyên truyền nói: Việc chọn những ngày đặc biệt trong năm để miễn giá vé cho nhóm gia đình liệu có thể được coi là giải pháp?
Lịch sử bảo tàng Bảo tàng Điêu khắc Chăm được chính thức khánh thành vào đầu năm 1919. Hơn 20 năm trước đó, người ta đã tập trung về địa điểm này nhiều hiện vật điêu khắc Chăm được tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam, và các tỉnh lân cận. Việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX, là công lao của những người Pháp yêu ngành khảo cổ học. Qua hai lần mở rộng (năm 1930 và 2002), toàn bộ tòa nhà cơ bản vẫn giữ được lối kiến trúc ban đầu. |
Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay hướng đến việc tôn vinh khách tham quan bằng cách tạo điều kiện để họ khám phá những câu chuyện ẩn chứa sau các sưu tập hiện vật của bảo tàng. Tại Đà Nẵng, Tuần lễ chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng kéo dài từ 15-5 đến 22-5. Nhiều hoạt động được diễn ra trong thời điểm này như: các chương trình giáo dục dành cho trẻ em; gặp mặt “Những người bạn của bảo tàng” - các chuyên gia và công chúng; nhìn lại gần 100 năm hình thành và phát triển Bảo tàng Chăm qua 100 bức ảnh thể hiện các báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương vận động xây dựng bảo tàng tại Tourane (Đà Nẵng) đầu thế kỷ 20; hình ảnh công nhân Việt Nam tham gia khai quật, cho đến bút tích ý kiến lãnh đạo thành phố xem xét việc khôi phục bảo tàng vào đầu thế kỷ 21. |