.

Di sản văn hóa Chămpa với phát triển du lịch

.
Dải đất miền Trung từ bao đời nay được ưu ái với những di sản, di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao, trong đó phải kể đến di sản văn hóa Chămpa. Đây là lợi thế về du lịch cho thành phố Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Mô tả ảnh.
Điệu múa Chăm ở Tháp bà Ponagar - Nha Trang thu hút du khách thập phương.
 
Dịp theo đoàn đi khảo sát tuyến du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ, chúng tôi có cơ hội khám phá các tuyến, điểm du lịch từ Khánh Hòa đến Đà Nẵng. Trong chuyến đi đó, Tổng cục Du lịch dự kiến đưa ra rất nhiều tour du lịch theo hướng chuyên đề như tour về biển - đảo, tour sông núi, tour theo dòng lịch sử… trong đó, tour văn hóa Chămpa được mọi người đánh giá sẽ rất hấp dẫn. Dọc theo tuyến quốc lộ 1A đi từ Khánh Hòa đến Đà Nẵng, có rất nhiều khu đền tháp Chămpa còn khá nguyên vẹn. Tại Khánh Hòa có khu đền tháp Ponagar; Phú Yên có tháp Nhạn; Bình Định có tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên; Quảng Nam có khu đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn… Đà Nẵng có Bảo tàng Điêu khắc Chăm - nơi lưu giữ khá đầy đủ các hiện vật bằng điêu khắc đá, gốm cổ của người Chămpa.

Vì vậy, theo đoàn khảo sát, các tỉnh duyên hải miền Trung nên có những động thái tích cực, không nên phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm” mà cần có những cái bắt tay cùng phát triển, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Nếu hợp tác thành công, có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo và thu hút được nhiều du khách thập phương đến và ở lại với miền Trung lâu hơn.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours, cho rằng: “Du lịch khám phá, tìm hiểu về những di tích, dấu ấn lịch sử, những nét văn hóa độc đáo đang trở thành một xu hướng du lịch mới của du khách. Công ty chúng tôi đã từng tổ chức nhiều tour chuyên đề như tour “Hành trình di sản miền Trung”, “Thiên đường miền Trung”… và một số tour “Con đường xanh Tây Nguyên” từ Đà Nẵng đi Kon Tum-Gia Lai-Đà Lạt hoặc “Con đường Hữu nghị” từ Đà Nẵng đi các nước Lào-Thái Lan-Myanmar… cũng rất hiệu quả. Tuy vậy, đối với việc phát triển du lịch gắn với các di sản văn hóa Chămpa, theo chúng tôi, để thực hiện được là điều khá khó. Trong đó, khó nhất là việc thiết kế tour cho du khách bởi các di tích Chămpa nằm rải rác ở nhiều tỉnh từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, mà thời gian để du khách lưu trú không nhiều”.

Cùng chung suy nghĩ, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm nói: “Du khách đến với những tour chuyên đề như tour tham quan, khám phá di sản Chămpa thường là khách Tây. Hơn nữa, đây là một trong những tour thuộc dạng nghiên cứu, khảo cổ, khảo sát nên rất kén khách. Mặt khác, trình độ nghiên cứu chuyên sâu của đội ngũ hướng dẫn viên còn chưa tương xứng cũng là một trong những hạn chế”.

Tuy vậy, ông Thắng cũng cho biết thêm: Vừa qua, cùng với việc phát hiện di tích khảo cổ Phong Lệ, việc đưa di chỉ khảo cổ học vào phục vụ du lịch tại Đà Nẵng là điều rất cần thiết. Có thể cùng với Bảo tàng Điêu khắc Chăm và một số khu di tích sẽ tạo ra được nhiều điểm đến tham quan cho du khách thập phương. Vì vậy, nếu đưa tour này vào phát triển du lịch thì nên chăng chọn Đà Nẵng làm điểm đến đầu tiên, bởi từ đây, du khách sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về di sản văn hóa Chămpa, để khi đi đến các di tích Chămpa, du khách có thể hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn, đúng với những giá trị mà các di sản, di tích văn hóa mang lại.

Đi dọc các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, hầu hết các tỉnh đều có tiềm năng để phát triển tour du lịch tham quan, khảo sát di sản văn hóa, kiến trúc Chămpa nhưng điều quan trọng là mỗi tỉnh phải cùng nhau làm du lịch, cùng liên kết để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng cho mảnh đất miền Trung. Mà muốn làm được điều đó, theo đại diện một số công ty du lịch, lữ hành thì đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các bên, từ chủ trương của các địa phương đến sự liên kết của các công ty du lịch, lữ hành trong việc cùng bắt tay làm du lịch.

Bài và ảnh: Đan Tâm
;
.
.
.
.
.