.

“Ký ức” mặc áo chật!

.
Ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5 năm nay, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) khuyến nghị lấy chủ đề “Bảo tàng và ký ức” nhằm giới thiệu những câu chuyện ẩn chứa sau những hiện vật...

Mô tả ảnh.
Phối cảnh cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm của KTS Phạm Phú Bình.
 
Ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn có một câu chuyện khác ẩn chứa bên trong khu đất và công trình được xây dựng từ năm 1915 này mà đến nay vẫn làm băn khoăn nhiều người, bởi lịch sử cũng như tính thời sự của nó...

Từ câu chuyện các di sản nghệ thuật xuống cấp

Thật ra, ngay từ những năm cuối thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông bác cổ (EFEO), trong đó có nhà khảo cổ nổi tiếng Henri Parmentier và các đồng nghiệp người Việt đã nghiên cứu, sưu tập và tập trung nhiều hiện vật là tác phẩm điêu khắc Chăm được tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận miền Trung về địa điểm hiện nay. Trước đó, trước khi bảo tàng được xây dựng mang tên Parmentier, đây là một gò đất có nhiều cây lớn bên bờ sông Hàn, các mảng đài thờ, tượng đá được xếp đặt rải rác ngoài trời.

Theo Parmentier, ý tưởng  xây dựng ở Đà Nẵng một nhà bảo tàng cho các tác phẩm điêu khắc Chăm đã có từ năm 1902 với một đề án của EFEO. Đến năm 1919, tòa nhà đầu tiên của bảo tàng được chính thức hoàn thành theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair. Toàn bộ tòa nhà và phong cách kiến trúc ban đầu đến nay, sau nhiều lần mở rộng, vẫn còn được giữ lại...

Lần mở rộng thứ nhất kéo dài từ 1930 đến 1936 là xây thêm hai phòng ngang phía trước tòa nhà chính để trưng bày những hiện vật mới được thu thập về trong những năm 1920, 1930. Sau năm 1990, một tòa nhà hai tầng ở phía sau khu nhà cũ, với diện tích sử dụng khoảng 2.500 m2 dành cho việc trưng bày hiện vật sưu tập được từ sau năm 1975, một phần làm kho, xưởng phục chế và phòng làm việc.

Nhưng dù có mở rộng đến đâu, vấn đề của Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn là sự hư hỏng của các hiện vật do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chính độ ẩm lâu ngày cộng với các chất có hại từ khói bụi xe cộ đã phá hủy một số chất có trong đá sa thạch làm hư hỏng bề mặt hiện vật. Không khí ẩm cũng ôxy hóa các chốt sắt bên trong các tác phẩm phục chế và chấn động do lượng xe cộ lưu thông từ những con đường bên ngoài khiến một số hiện vật bị nứt... Chống thấm, làm cửa, bóc gỡ hiện vật ra khỏi tường, di dời, trưng bày hiện vật ra xa đường giao thông, thay các chốt sắt bằng các chốt kim loại không gỉ, phục hồi gia cố lại bề mặt hiện vật đã hư hỏng... là những biện pháp đã được tiến hành từ năm 1993 đến nay. Từ năm 1997, Trường Đại học Tây Sydney (Úc) hỗ trợ tập huấn về công tác bảo quản và sau đó, từ năm 2001, trong khuôn khổ chương trình hợp tác với vùng Nord Pas de Calais, Pháp, Bảo tàng Guimet ở Paris đã cung cấp các trang thiết bị hiện đại, thành lập một xưởng phục chế và cử chuyên gia sang đào tạo cán bộ bảo quản cho Bảo tàng, trong đó có vai trò quan trọng của ông Bertrand Porte, một chuyên gia của Trường Viễn Đông bác cổ trong lĩnh vực bảo quản, phục chế hiện vật điêu khắc đá...

Chính từ những ý kiến tư vấn của chuyên gia nước ngoài và áp lực từ báo chí trong nước, một dự án xây dựng cầu qua sông Hàn của địa phương ảnh hưởng đến sự an toàn lẫn cảnh quan của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã phải thay đổi phương án thiết kế và thi công...

Và “chiếc áo” đã chật...

Thạc sĩ Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, đó là vấn đề bức xúc nhất hiện nay, khi mà các hiện vật ngày càng nhiều lên và sức hút tự thân của những giá trị văn hóa nghệ thuật to lớn của bảo tàng đối với công chúng cũng như du khách quốc tế. Muốn vậy, nếu không tính chuyện trượt giá và cắt giảm đầu tư công hiện nay, ít nhất cũng cần có một ngân sách khoảng 50 tỷ đồng để giải quyết những bất cập về bảo quản, không gian trưng bày cũng như xử lý những bất hợp lý khác mà khi xây dựng cách đây 1 thế kỷ chúng chưa xuất hiện...

Thật ra từ năm 2005, với sự tài trợ của vùng Nord Pas de Calais và EFEO, các kiến trúc sư và chuyên gia bảo tồn, tôn tạo từ Pháp đã giúp hoàn chỉnh một dự án mở rộng và hiện đại hóa Bảo tàng Điêu khắc Chăm trên cơ sở giữ lại những ý tưởng chính về kiến trúc và trưng bày đã có từ thời Parmentier theo tuần tự: Văn hóa Chăm, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu, Tháp Mâm và các điểm phụ lồng ghép; đồng thời áp dụng những kiến thức mới trong quản lý bảo tàng đương đại, phân bố lại các bộ sưu tập để giải quyết tình trạng lộn xộn hiện nay và đưa không gian triển lãm ngắn hạn ra ngoài các gian trưng bày thường xuyên. Ngoài ra, theo kiến trúc sư bảo tồn Renaud Pierard, cách bố trí phòng bán vé và khu bán vật lưu niệm hiện nay cũng rất bất hợp lý, nó phá vỡ không gian phía trước và ngắt quãng tính liên tục trong lộ trình tham quan...

Sau khi dự án được duyệt, nhóm chuyên gia đã thực hiện được 2 phòng trưng bày mẫu là Mỹ Sơn và Đồng Dương, toàn bộ phần còn lại, theo thạc sĩ Thắng hoàn toàn giao lại cho phía Việt Nam và lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng đã nhiều lần khảo sát, góp ý để lập dự án cải tạo theo tư vấn nêu trên.

Đến nay, một bản vẽ thiết kế cải tạo công trình xây dựng 2 tầng phía sau thành một tầng hầm để bảo vệ hiện vật quý, các tầng tiếp theo để trưng bày hiện vật của các nội dung Trà Kiệu, Tháp Mâm, văn hóa Chăm, thư viện, phòng hội thảo... do kiến trúc sư Phạm Phú Bình thực hiện đã hoàn tất. “Ý tưởng nâng tầng phía sau Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn tạo điểm nhấn kiến trúc độc đáo khi cầu Rồng to lớn và hiện đại đưa vào sử dụng gần đó”, ông Võ Văn Thắng nhấn mạnh....

Tuy dự trù kinh phí cho đợt cải tạo này chỉ khoảng 50 tỷ đồng, nhưng ông Võ Văn Thắng cho biết, hiện nay đang gặp khó khăn vì chủ trương cắt giảm đầu tư công trên cả nước. “Không biết chiếc áo chật này đến bao giờ mới thực hiện được!”, vị giám đốc bảo tàng than vãn.

“Chiếc áo” phù hợp cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là câu chuyện của thời gian và quyết tâm vì những giá trị văn hóa của những người có trách nhiệm. Nhưng mỗi lần đến đây, chứng kiến cảnh xe cộ rầm rập trên những con đường chung quanh rồi liên tưởng tới dòng xe cộ đông hơn nhiều lần sẽ phát sinh qua chiếc cầu mới, chúng tôi càng lo ngại. Bởi theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia bảo tồn, cần sớm có một hệ thống cống rãnh sâu để cắt độ rung chuyển của xe cộ chung quanh bảo tàng đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức của những người có trách nhiệm!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.