.

Dấu xưa Phong Lệ

.

Làng Phong Lệ trước đây có tên là Đà Ly. Theo lời các cụ  trong làng kể lại thì cái tên làng Phong Lệ có từ thời Ông Ích Khiêm. Hiện nay, dù không còn là tên gọi hành chính chính thức, Phong Lệ vẫn được người ta nói đến như một làng cổ trong lòng thành phố.

 

Mô tả ảnh.
Hiện ở Phong Bắc (Hòa Thọ Đông) vẫn còn lưu giữ được những nhà vườn xanh um.

 

Địa phận Phong Lệ xưa vốn bao trùm hầu hết xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) và một phần lớn phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ ngày nay). Phần đất thuộc xã Hòa Châu nay vẫn được gọi là làng Phong Nam (tức làng Phong Lệ Nam). Phần đất thuộc Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây là Phong Lệ Bắc (gọi tắt là Phong Bắc). Ngoài ra, hai chữ Phong Lệ còn dùng để chỉ vùng đất gần chân núi Bà Nà, thuộc xã Hòa Phú ngày nay (tức Phong Tây). Hiện nay, tất cả các địa bàn này đều rải rác dấu tích Phong Lệ.

Theo lời các người già trong làng kể lại thì cách đây hơn 100 năm, con sông cầu Đỏ hiện nay chỉ là con lạch nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua được và làng liền một dải. Mãi đến khoảng năm 1930, người ta làm đường sắt đi ngang qua, vài thập niên tiếp theo là quốc lộ, Phong Lệ mới có cảm giác bị chia cắt thành Nam, Bắc như bây giờ. Tuy tách biệt và thuộc vào hai xã khác nhau, nhưng dân làng Phong Lệ (Nam và Bắc) vẫn duy trì nhiều sinh hoạt chung - nhất là trong các việc họ, việc làng.

Phong Lệ có đình, chùa, miếu, có nhà thờ tiền hiền của làng và nhà thờ các tộc họ. Dân làng còn lưu truyền nhiều câu chuyện, giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của Ông Ích Khiêm, về những cuộc viếng thăm của Cao Bá Quát và Phan Bội Châu...

Hiện ở Phong Nam còn một nhà thờ Tiền hiền và một đình Thần Nông. Tại các nơi này còn lưu những bài vị thờ Tiền hiền; những câu đối cổ tương truyền là của Cao Bá Quát, Phan Bội Châu ghi tặng cho làng… Tại đây, lễ hội Mục đồng - lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, tôn vinh nghề nông và cũng là để cầu cho những vụ mùa sẽ bội thu đang được khôi phục và thu hút đông đảo người dân tham gia. Ở Phong Tây thì vẫn còn lại những ngôi mộ của các thế hệ tổ tiên của danh nhân Ông Ích Khiêm...

Ngẫu nhiên của lịch sử...

Trong câu chuyện về làng cổ Phong Lệ, theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, “Nếu như nói mỗi tấc đất Đà Nẵng thấm đượm những cơ tầng văn hóa, thì như một sự ngẫu nhiên của lịch sử Phong Bắc, cụ thể là phường Hòa Thọ Đông, trên một diện tích đất hẹp, hiện là nơi còn lưu dấu một cách khá tập trung những cơ tầng văn hóa ấy. Mới đây, việc phát lộ quần thể di tích đền tháp Chăm rộng lớn, có thể có niên đại đến 1.000 năm là một dẫn chứng sinh động. Bên cạnh khu khai quật còn có các kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ như Dinh Bà, miếu Âm linh (thờ những vong hồn vô danh)…”.

 Điều đáng quý là trước tốc độ đô thị hóa rất nhanh của toàn thành phố thì Hòa Thọ Đông nay vẫn giữ được những đường thôn, những lũy tre làng, những khu nhà vườn cổ kính. Thấp thoáng dưới những gốc vải gần 100 tuổi là nhà thờ Ông Ích Khiêm đã được tôn tạo khang trang, có la thành, cổng, tiền đường và nhà bia. Nấm mộ có dạng hình khối chữ nhật, dài 4,75m, rộng 3,5m và cao 0,35m, có chạy viền quanh một đường sành sứ. Trong lăng mộ có đôi câu đối cho thấy một con người tài ba, nhân cách:

Công lớn ba lần đền ơn nước
Lòng trung gan dạ mạnh hơn  thành.

Có thể nói rằng, ai đã một lần đặt chân đến làng quê giữa lòng phố thị này sẽ khó quên được cái cảm giác thanh tịnh đến nao lòng.

Hy vọng, chủ trương đẩy mạnh Du lịch sinh thái  của thành phố hiện đang nhắm đến Phong Bắc sẽ sớm được thực hiện. Để rồi, quê hương của Ông Ích Khiêm sẽ không còn lặng lẽ với không gian cổ xưa của mình, mà ngày ngày sẽ rộn ràng dấu chân du khách.

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.