.

Di tích đâu rồi?

.

Một di tích lịch sử cách mạng gần 200 năm tuổi đã được thành phố đăng ký bảo vệ,  nhưng đến nay đã không còn. Đó là di tích lịch sử Văn Thánh Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Nhiều thế hệ người dân nơi đây mong muốn khôi phục lại di tích để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mô tả ảnh.
Ông Trương Văn Tranh, Trưởng ban đại diện làng Xuân Thiều cho biết, vị trí này (theo hướng chỉ tay) trước đây là Văn Thánh Xuân Thiều.

 

Từ những giá trị về lịch sử cách mạng

Văn Thánh Xuân Thiều được nhân dân Xuân Thiều xây dựng cách đây gần 200 năm, để thờ đức Khổng Tử và các bậc tiền hiền nhằm giáo dục tư tưởng Nhân, Nghĩa, Hiếu, Trung, Tôn sư trọng đạo trong nhân dân địa phương. Hằng năm các cụ trưởng lão nho học thường tập trung về đây để tế Thánh, lễ tế thường vào lúc nửa đêm, vào rằm tháng 3 âm lịch.

Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng Đà Nẵng, trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở Quảng Nam (1885- 1887), cụ Nguyễn Duy Hiệu cũng có về dự lễ tế Thánh ở đền này và bàn việc quốc sự với các cụ nhà nho ở Bắc Hòa Vang.

Đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916), nhiều chí sĩ Văn thân như Đỗ Thúc Tịnh, Ông Ích Đường, Trần Cao Vân… cũng đã về đây dự lễ tế Thánh và bàn quốc sự như ứng nghĩa Cần Vương, chống sưu cao, thuế nặng và khởi nghĩa Duy Tân. Nhiều cuộc họp kín được tổ chức trên những chiếc ghe bơi ra giữa Bàu Tràm để thảo luận kế hoạch khởi nghĩa.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, cũng tại nơi đây, ông Ông Chu đại diện Việt Minh ở Tổng Thái Hòa và ông Chế Viết Tấn đại diện Việt Minh ở Hòa Vang đứng lên diễn thuyết, giải thích những chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Trong cuộc biểu tình này, các lý trưởng trong vùng đều đem nộp đồng triện cho Việt Minh. Tiếp theo, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Văn Thánh Xuân Thiều là điểm gác tiền tiêu của cán bộ, du kích xã Hòa Vân cảnh báo địch càn để báo cho nhân dân, cán bộ và du kích tránh địch. Đôi khi trinh sát, bộ đội chủ lực cũng đã về đây để theo dõi sự vận chuyển của quân Pháp trên quốc lộ 1, đoạn Đà Nẵng - Huế để phục vụ cho kế hoạch tác chiến.

Đâu rồi một di tích?

Từ những giá trị lịch sử cách mạng đó, ngày 7 tháng 10 năm 1999, UBND thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định số 6019/QĐ-UB đăng ký bảo vệ di tích lịch sử này, xem đây là một trong những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của địa phương.

Năm 2004, trong quá trình quy hoạch, giải tỏa để mở rộng khu công nghiệp Hòa Khánh, di tích Văn Thánh Xuân Thiều nằm trong phần quy hoạch không thể điều chỉnh được, nên Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Hòa Khánh đã đề nghị được di dời Văn Thánh Xuân Thiều về một địa điểm khác. Sau một số cuộc họp với các bên liên quan, đã thống nhất di dời di tích Văn Thánh Xuân Thiều về khu vực miếu Hàm Trung (còn gọi là miếu Cây Dự) tại phường Hòa Hiệp Nam để hình thành nên cụm di tích văn hóa ở địa phương. Các bên đã thống nhất, trước khi di dời cần phải phối hợp để khảo sát và đo, vẽ, chụp ảnh hiện trạng của di tích. Sau khi di tích Văn Thánh Xuân Thiều di dời về địa điểm mới, phải xây dựng lại và giữ nguyên bố cục của di tích để bảo đảm tính khoa học của một di tích lịch sử văn hóa. Quá trình di dời phải có sự giám sát về chuyên môn của bảo tàng.

Tuy nhiên, từ khi di dời (cuối năm 2004) đến nay, di tích lịch sử cách mạng Văn Thánh Xuân Thiều chỉ còn duy nhất một lư hương và đang “gửi tạm” trong khuôn viên tại miếu Hàm Trung, phường Hòa Hiệp Nam. Do thời gian di dời đến nay đã quá lâu, nên những gì liên quan đến Văn Thánh Xuân Thiều chỉ còn trong ký ức của những người dân nơi đây.

Ông Trương Văn Tranh, Trưởng ban đại diện làng Xuân Thiều cho biết, dân làng nơi đây rất mong muốn các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan sớm quan tâm, thực hiện đúng sự cam kết là, xây dựng lại đúng nguyên hiện trạng ban đầu của di tích, để làm cơ sở giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.