.

Điện ảnh Đà Nẵng trên đà phát triển

.
Hiện nay, ở Đà Nẵng, hoạt động điện ảnh khá phong phú với nhiều cơ sở như VTV Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT), Công ty Phát hành phim Việt Nam tại Đà Nẵng, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đà Nẵng; Hãng phim Điện ảnh và Truyền hình Đà Nẵng, CLB Điện ảnh trẻ miền Trung… Các tổ chức này đã góp phần làm cho hoạt động điện ảnh ở Đà Nẵng sống động, phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của người dân thành phố.

Mô tả ảnh.
Nhà báo Huỳnh Hùng (bìa phải) nhận giải đặc biệt Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng cho bộ phim Người giữ thành Hà Nội.
Hội Điện ảnh Đà Nẵng là một trong ba Hội Điện ảnh địa phương của cả nước, hiện tại có tổng số 52 hội viên, trong đó có 25 hội viên trung ương. Trong những năm qua, Hội đã thực hiện khá tốt công tác phổ biến các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu của nền điện ảnh nước nhà và thế giới đến với công chúng Đà Nẵng. Qua đó, vừa chiếu phim, vừa giúp các anh chị em hội viên tham khảo, học tập kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật tổ chức các lớp bồi dưỡng, sáng tác, nâng cao tay nghề cho hội viên. Hằng năm, các hội viên ở VTV Đà Nẵng và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng sáng tác bình quân 50 bộ phim tài liệu phản ánh về vùng đất, con người, những giá trị văn hóa, lịch sử của xứ Quảng cũng như các địa phương trong khu vực miền Trung. Những kết quả đạt được đã đánh dấu một giai đoạn hoạt động của đội ngũ những người làm điện ảnh và phim truyền hình trên địa bàn thành phố.
 
Tiêu biểu trong đó như Đoàn Huy Giao, Trương Vũ Quỳnh, Phạm Xuân Hùng, Trà Xuân Phương… đã hoàn thành xuất sắc một xê-ri phim tài liệu về Tây Nguyên gồm 26 tập, được chiếu nhiều lần trên sóng truyền hình quốc gia. Các hội viên Huỳnh Hùng, Nhật Hoàng làm bộ phim tài liệu Người giữ thành Hà Nội, nói về chân dung cụ Hoàng Diệu, người con của xứ Quảng đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Hà Nội. Bộ phim đã đoạt  7 giải thưởng ở Trung ương và địa phương như: Giải A Báo chí toàn quốc về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Huy chương Vàng Liên hoan phim toàn quốc; giải Cánh Diều của Hội điện ảnh Việt Nam; giải Đặc biệt Giải báo chí Huỳnh Thức Kháng; giải A của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng.

Ngoài ra, trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Đà Nẵng còn đoạt 2 giải quan trọng, đó là tác phẩm Hồ Quý Ly của Lê Khôi đoạt giải nhì; kịch bản Người con của Rồng của Đoàn Triệu Long đoạt giải ba, tác phẩm này đã được Nhà nước đầu tư 7 tỷ đồng dàn dựng và ra mắt nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua.

“Đà Nẵng đang có những người làm điện ảnh rất tâm huyết với nghề, khát khao được học hỏi, cống hiến… là cơ sở vững chắc để chúng ta có quyền tin tưởng điện ảnh Đà Nẵng sẽ sớm theo kịp và hòa nhập cùng sự phát triển chung của nền điện ảnh nước nhà”, ông Huỳnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng cho biết.

Bài và ảnh: VĨNH KHANG
;
.
.
.
.
.