Vừa qua, tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng, Hội Nhà văn phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố tổ chức chương trình giới thiệu tác phẩm văn học của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa.
Tại buổi giới thiệu, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn đã phát biểu trao đổi về thân thế và sự nghiệp sáng tác của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa. Bà tên thật là Huỳnh Thị Thái, sinh năm 1896, mất năm 1982, là người làng Đa Phước, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), xuất thân trong một gia đình có cha là võ quan triều Nguyễn, sau tham gia Hội Cần vương Quảng Nam. Với bản tính thông minh, ham học hỏi lại được giáo dục kỹ lưỡng, từ nhỏ bà đã học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và được xem là người phụ nữ tiến bộ nhất địa phương lúc bấy giờ. Bà là một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ. Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn (1927) dài hai tập của Huỳnh Thị Bảo Hòa được bạn đọc đương thời hoan nghênh và nhiều người có tiếng tăm lớn trong làng báo, làng văn thời đó như Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Bùi Thế Mỹ đánh giá cao.
Ngoài việc sáng tác, Huỳnh Thị Bảo Hòa còn làm báo và tham gia hoạt động xã hội rất tích cực trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Với những hoạt động đó, Huỳnh Thị Bảo Hòa được xem là người phụ nữ tiên phong trong phong trào Duy Tân ở Việt Nam.
Văn Nở