.
Kỳ bí bức tượng đồng người châu Phi loã thể

Bài 1: Từ rừng sâu tìm đến nhà khoa học

.
(ĐNĐT) - Một bức tượng đồng tìm thấy ở Sa Thầy (Kon Tum) đã hé lộ về những sứ giả kỳ bí từ châu Phi xa xăm từng đến nước ta cách đây hơn 2.000 năm!

Mô tả ảnh.
Bức tượng đồng người đàn ông châu Phi lõa thể đang được lưu giữ trong bộ sưu tập của ông Lâm Dũ Xênh
Trong những ngày này, du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng sẽ có dịp chiêm ngưỡng hơn 300 cổ vật được nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh chọn lọc đưa từ Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) ra triển lãm tại Bảo tàng điêu khắc Chăm. Đặc biệt nhất trong số đó là bức tượng đồng một người đàn ông châu Phi lõa thể có niên đại từ trước Công nguyên!

Từ bộ sưu tập Gò Quê

Đây là lần đầu tiên bức tượng được nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh đưa ra giới thiệu với đông đảo công chúng. Từ đây, câu chuyện kỳ lạ về quá trình phát hiện một bức tượng mà TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, từng mất gần 25 năm tìm kiếm, đã được hé lộ với những mối cơ duyên mà chính người trong cuộc cũng không lý giải nổi!

Mùa thu năm 2009, nhân TS Nguyễn Việt có chuyến nghiên cứu xuyên Việt, ông Lâm Dũ Xênh đã mời đến thăm và giúp hệ thống hoá bộ sưu tập của mình. Trước đó, nhân hội nghị quốc tế kỷ niệm 100 văn hoá Sa Huỳnh tổ chức tại Quảng Ngãi, ông Xênh đã trưng bày bộ sưu tập gồm 92 hiện vật đồng, 37 di vật gốm, hàng trăm di vật đá, thuỷ tinh, mã não… khai quật tại di chỉ Gò Quê (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Các đại biểu đã vô cùng ngạc nhiên trước sự có mặt phong phú các di vật mang phong cách văn hoá Đông Sơn (Thanh Hoá) nổi tiếng tại di chỉ này. Thậm chí, số hiện vật Đông Sơn ở Gò Quê nhiều và điển hình tới mức khiến nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ chúng phải được lấy lên từ lòng đất Gò Quê. Do vậy, khi ông Lâm Dũ Xênh ngỏ lời mời, TS Nguyễn Việt đã vào tận nơi. Ông Xênh lúc đó đang ở Hải Phòng cũng lặn lội về Hà Nội tìm chuyến bay nhanh nhất về Quảng Ngãi đón tiếp.

Suốt một tuần, TS Nguyễn Việt bị hút lại bởi số cổ vật khổng lồ của ông Xênh, đặc biệt là bộ sưu tập đồ đồng của di chỉ khảo cổ Đông Sơn được phát hiện tại di chỉ Gò Quê. Sau khi tiến hành giám định, TS Nguyễn Việt còn kiểm tra ngược bằng cách mang đến từng người dân đã được các di vật đó để phỏng vấn đối chất. “Kết quả cho phép khẳng định độ tin cậy cao của bộ sưu tập Gò Quê” - TS Nguyễn Việt cho hay. Và đó cũng là cơ sở dữ liệu để ông hình thành luận văn “Gò Quê - một đảo Đông Sơn giữa biển Sa Huỳnh” gây sự chú ý đặc biệt cho giới nghiên cứu. Tuy nhiên đó mới chỉ là sự khởi đầu cho mối kỳ duyên.

Sau khi hoàn tất công việc, TS Nguyễn Việt chuẩn bị đi tiếp vào Nam. “Anh Xênh xin đi cùng, chúng tôi đã chia tay gia đình để lên xe. Đột ngột anh gọi tôi giật giọng: “Thầy ơi, xin thầy xem cái này đã!”, rồi đưa cho tôi coi một bức tượng nhỏ bằng đồng. Ngay lập tức tôi không thể tin được ở mắt mình. Đó chính là vật mà mấy chục năm nay tôi mày mò lục tìm khắp thế giới” – TS Nguyễn Việt kể lại. Trong tay ông lúc đó là bức tượng đồng một người đàn ông châu Phi lõa thể ngồi gập gối, cao khoảng 11 – 12cm. Ông lập tức hoãn chuyến đi và ở lại với bức tượng!

Đến bức tượng đồng kỳ bí

Lâm Dũ Xênh nhớ lại, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ông cùng nhiều thanh niên xung phong của huyện Bình Sơn được tăng cường lên chiến trường biên giới Tây Nam. Được điều đến khu vực Sa Thầy (Kon Tum), ông Xênh cùng hai người bạn đồng hương làm thành một tổ "tam tam". Một trong hai người bạn đó được một người đồng bào dân tộc tặng bức tượng đồng đào được khi làm rẫy. Do bệnh tật, người bạn đó qua đời tại Sa Thầy, bức tượng được trao lại cho người bạn thứ hai.

tuong1.jpg
Nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh giới thiệu về bức tượng đồng người đàn ông châu Phi lõa thể đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng)
Chiến tranh biên giới kết thúc, ông Xênh cùng người bạn đó trở lại địa phương, lúc ấy ông vẫn chưa sưu tầm cổ vật. Cách đây vài năm, hay tin ông trở thành nhà sưu tầm cổ vật đam mê, tâm huyết và có nhiều thành công, người bạn đó đã trao lại bức tượng đồng, kỷ vật thời chiến tranh khắc nghiệt. Từ đó, ông Xênh đặt bức tượng trong chiếc hộp cầu may trước bàn thờ. Mỗi khi đi xa, ông đều thắp hương cầu khấn và xoay bức tượng vào trong, khi trở về lại thắp hương rồi xoay bức tượng theo hướng cũ.

Trước chuyến dự định vào Nam cùng TS Nguyễn Việt kể trên, ông Xênh cũng thắp hương, xoay bức tượng. "Suốt một tuần làm việc với nhau về bộ sưu tập Gò Quê, tôi đều đưa tấm hình và phiên bản hai bức tượng tìm thấy trước đó ở Đông Sơn để hỏi nhưng Lâm Dũ Xênh hoàn toàn không nhận ra mối liên hệ nào với bức tượng thờ kín của anh. Việc anh nhờ tôi xem giúp bức tượng là hoàn toàn bất ngờ. Đó là một thời khắc lạ kỳ. Nếu anh không chợt nghĩ và đưa ra thì còn rất lâu tôi mới chắp nối được những nhân vật họ hàng đó với nhau, thậm chí đó còn là câu hỏi mãi mãi chưa có lời đáp" - TS Nguyễn Việt nói.

Thật khó diễn tả được nỗi vui sướng và kinh ngạc của TS Nguyễn Việt trước sự gặp gỡ bất ngờ này. Như sợ cơ may ngàn đời có thể bay mất, ông lập tức cùng Lâm Dũ Xênh mang bức tượng sang nhờ một nha sĩ làm khuôn và về tạo ngay một phiên bản bằng sáp để lưu giữ. Vì như ông cho biết, bức tượng này cùng hai bức tượng tìm thấy trước đó ở Đông Sơn (nhưng hiện không biết lưu lạc phương nào) là những dấu hiệu có thể chỉ dẫn làm sáng tỏ những vị sứ giả kỳ bí đã viếng thăm và để lại Đông Sơn những kiệt tác nghệ thuật tâm linh phồn thực bất hủ của mình.

Việt Ân
;
.
.
.
.
.