.

Làng nghề truyền thống gặp khó

.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 10 làng nghề truyền thống. Khó khăn lớn nhất mà các làng nghề truyền thống đang gặp phải là sản phẩm làm ra không cạnh tranh được trên thị trường.
 
Mô tả ảnh.
Sản phẩm làng đá mỹ nghệ Non Nước ngày càng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
 
Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là do các làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng còn hoạt động manh mún, sản phẩm làm ra chất lượng không cao. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản mới đây cho thấy, trong 10 làng nghề truyền thống hiện nay, phần lớn  đều không phát triển được quy mô sản xuất và có chiều hướng đi xuống. Chỉ một vài làng nghề giữ được nhịp độ sản xuất, sản phẩm làm ra có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao như Làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, nghề truyền thống trước kia là thế mạnh của một số địa phương trên địa bàn thành phố, nhưng hiện nay có nhiều hộ đã phải chuyển nghề bởi không thể bám nghề để sống được. Trước kia các nghề như dệt chiếu Cẩm Nê, chằm nón La Bông, làm thuốc lá Cẩm Lệ, làm guốc mộc Xuân Dương… là nơi thu hút rất lớn lượng lao động ở địa phương, người làm nghề có thu nhập tương đối khá và ổn định, song hiện nay các nghề này đều gặp khó khăn.

Bên cạnh quy mô nhỏ, lẻ, vốn đầu tư còn thiếu, mặt bằng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều làng nghề còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả, pháp luật Nhà nước, cũng như pháp luật quốc tế; các vấn đề như thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp còn rất xa lạ với nhiều chủ sản xuất. Công tác quảng cáo, tiếp thị chưa được quan tâm đúng mức. Một khó khăn khác để phát triển làng nghề trong thời gian qua là việc xây dựng và phát triển các làng nghề của thành phố chưa được quy hoạch đầy đủ để làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của các làng nghề. Mặt khác, theo ông Nguyễn Tứ thì trình độ lao động ở các làng nghề còn thấp, thu nhập của người lao động trong một số nghề chưa được cải thiện, chưa bảo đảm được cuộc sống của người làm nghề, khiến nhiều lao động buộc phải tìm kiếm những công việc khác có thu nhập cao hơn.

Thực trạng các làng nghề truyền thống như hiện nay cần thiết phải có các giải pháp để khôi phục, duy trì, vực dậy để thúc đẩy các làng nghề phát triển đi lên trong thời kỳ mới. Trước hết, cần tăng lượng vốn để nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của các làng nghề. Thành phố và các ngành chức năng cần tăng cường thông tin thị trường để giúp các làng nghề nắm bắt nhanh tình hình và nhu cầu xã hội, mở rộng thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm, ổn định và phát triển sản xuất; nghiên cứu để tạo ra đặc trưng của sản phẩm làng nghề; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề… Có như vậy các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố mới hy vọng “sống” được trong giai đoạn hiện nay. Bởi đây không chỉ là sản xuất kinh doanh mà ở tầm cao hơn, nó còn là vấn đề về giữ gìn bản sắc văn hóa của một vùng miền đã từng lưu dấu trong lịch sử…

Bài và ảnh: VĂN NỞ
;
.
.
.
.
.