.

Tết Đoan Ngọ cần có bánh tro, vì sao?

Theo phong tục tập quán của người dân Việt Nam thì Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch) phải làm một số bánh, trong đó có bánh tro. Có tên gọi tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro của nhiều loại cây khác nhau. Gọi là bánh âm vì nó có đặc tính tư âm, bổ âm, do chứa toàn nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali…).

Theo Đông y: Bánh tro vị nhạt, tính mát, ăn dễ tiêu, thích hợp nhất đối với trường hợp già yếu, trẻ em có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư), những trường hợp dương thịnh gây âm hư vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan Ngọ (đoan dương – chính dương) thường gây ôn dịch thương âm. Vào dịp Tết Đoan Ngọ nó sẽ phát huy cao độ những tính năng trên do mấy ngày Tết Đoan Ngọ người ta còn gặp nguy hại do ăn uống nhiều chất béo, nhiệt, khó tiêu (rượu nếp, xoài, mít…). Vì thế Tết Đoan Ngọ cần có bánh tro.

Bánh tro không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan Ngọ mà còn cả thời gian sau đó. Do có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thải độc cho cơ thể để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút), sỏi thận… Bổ âm (tư âm, dưỡng âm) là tôn chỉ của một trường phái dưỡng sinh lớn có vị trí quan trọng trong Đông y, bởi vì cơ thể chúng ta “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”. Tuy nhiên, ngày nay ít người mua hay làm bánh tro theo phong tục tập quán lâu đời mà dân ta đã đúc kết được từ kinh nghiệm thực tế phòng chữa bệnh (4 mùa) trong thức ăn hằng ngày. Tập quán ăn bánh tro giờ đây càng cần được khôi phục để ta cân bằng với các loại bánh cao lương mỹ vị nhiều đường, mỡ (dương thịnh) đang hằng ngày ngấm ngầm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đ.K (Sưu tầm)
;
.
.
.
.
.