.

Xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi

.
Dạo quanh một vòng các nhà sách lớn trên địa bàn thành phố như: Nhà sách Fahasa, Bạch Đằng, Trung tâm sách Kim Đồng tại miền Trung... mới thấy sách, truyện dành cho thiếu nhi rất nhiều với đề tài, thể loại đa dạng, đến từ nhiều quốc gia.
 
Mô tả ảnh.
Thiếu nhi cần có sự chọn lọc trong việc đọc sách, truyện.
Từ sách văn học dân gian, sách truyện chữ, truyện tranh, đến sách về danh nhân, danh tác… Sách, truyện Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Mỹ… phục vụ cho mọi đối tượng thiếu nhi từ mẫu giáo đến nhi đồng. Tại nhà sách Fahasa, sách, truyện dành cho thiếu nhi chiếm khoảng 20 - 30% tổng số đầu sách được trưng bày tại quầy, trong đó chủ yếu là sách được mua bản quyền từ nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng đại diện NXB Kim Đồng tại miền Trung cho biết, từ trước đến nay, sách, truyện dành cho thiếu nhi chủ yếu là của Nhật Bản, Trung Quốc. Những bộ truyện tranh nổi tiếng như Đôrêmon, Conan, Thủy thủ mặt trăng, Siêu quậy Teppi... đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
 
Tái bản bao nhiêu lần cũng bán hết. Bây giờ, các em lại đang yêu thích bộ Ô Long viện (Trung Quốc) và một số bộ được chuyển ngữ từ các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới... Sách, truyện Việt Nam đến nay có hai bộ được các em đón đọc nhiều nhất là bộ Tí quậy (NXB Kim Đồng) và Thần đồng đất Việt (NXB Trẻ). Trong khi sách, truyện trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả thiếu nhi thì sách, truyện nước ngoài (nhất là Nhật Bản và Trung Quốc) lại đổi mới liên tục về đề tài, tranh vẽ… nên đã thu hút một lượng lớn độc giả nhí cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong số sách, truyện dành cho thiếu nhi ngoài thị trường, không phải đầu sách nào cũng do các NXB uy tín phát hành, với việc xét duyệt nghiêm ngặt. Trên thực tế, số sách, truyện dành cho độc giả nhí được “nhập lậu” cho các quầy cho thuê truyện lớn, bé trên địa bàn thành phố lại nhiều vô kể. Phần lớn những bộ sách truyện này không bảo đảm chất lượng về nội dung và hình thức trình bày, nhưng lại thu hút một lượng độc giả thiếu nhi không hề nhỏ. 

Bắt đầu từ gia đình

Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách ngay từ nhỏ cho các em thiếu nhi là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để phát huy được ý nghĩa thực sự của sách, truyện các em cần được định hướng trong việc chọn lọc khi đọc. Đây là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Thầy Nguyễn Tăng Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho biết, hằng năm nhà trường vẫn chi ra một khoản tiền không nhỏ (năm 2010 là 17 triệu đồng) để mua sắm trang thiết bị, sách phục vụ cho việc dạy và học. Hiện trong thư viện trường có hơn 13.000 đầu sách các loại từ sách giáo viên, sách tham khảo, sách giáo khoa và sách truyện thiếu nhi. Thư viện cũng mở cửa các ngày trong tuần để phục vụ các em. Mặc dù vậy, nhà trường cũng không thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu đọc sách của các em mà quan trọng hơn là từ phía gia đình. Chính điều này dẫn đến việc quản lý và nâng cao văn hóa đọc cho các em. Chị Nguyễn Hoàng Linh (ở  đường Duy Tân) chia sẻ: “Cháu bé nhà mình học lớp 3 và rất thích đọc truyện Đôremon, Thần đồng đất Việt. Bữa nay có thêm bộ Ô Long viện nữa. Vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần mình vẫn dẫn con đi nhà sách để cháu được thư giãn.   

Để giúp nâng cao văn hóa đọc cho thiếu nhi nhiều trung tâm, nhà sách trên địa bàn thành phố đã tổ chức ngày hội đọc sách, ngày giảm giá sách, tặng sách cho học sinh nghèo… vào các dịp như Quốc tế Thiếu nhi 1-6, khai giảng năm học. Đây là những việc làm cần thiết để góp phần kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội nâng cao văn hóa đọc cho các em.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.