.

Chữ và nghĩa của các biển, bảng quảng cáo: Khập khiễng đến bao giờ?

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố là sự nở rộ của các loại hình dịch vụ, các hoạt động thương mại, văn hóa… Và, để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã  thực hiện các băng-rôn, bảng hiệu bắt mắt về hình thức và khá “kêu” về nội dung. Điều này không sai. Thế nhưng, thực tế đã có những khập khiễng giữa chữ và nghĩa ở các biển, bảng hiệu này, khiến người dân không khỏi băn khoăn.

Chúng ta… đều là số 1!

Dạo một vòng quanh các đường Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Hùng Vương, Hải Phòng… sẽ thấy các “Trung tâm mắt kính” mọc lên như nấm, tất cả đều là “kính thuốc số 1”, dù chẳng biết chất lượng có bảo đảm hay không.  Trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, xa hơn là Nguyễn Công Trứ và rải rác ở nhiều con đường khác của thành phố đều có các “Thẩm mỹ viện”, các “Viện chăm sóc da” với những cái tên kiêu kỳ, với những dòng chữ chào mời một cách tự tin, sang trọng “Chào mừng bạn đến với Viện chăm sóc da”… làm cho nhiều “thượng đế” bước vào (nhất là những người mới lần đầu) không giấu nổi cảm giác hồi hộp và chứa chan hy vọng… Có điều, vào rồi mới biết, các “viện” này thường hoạt động không khác gì kiểu làm đẹp giản đơn của một cơ sở spa, massage bình thường.

Đặc biệt, trong các chương trình ca nhạc, giải trí, những tấm băng-rôn… được giăng đầy trước Nhà hát Trưng Vương, trên các tuyến đường chính không ngần ngại sử dụng những cụm từ “Ngôi sao ca nhạc”, “Ngôi sao hàng đầu”, “Ngôi sao triển vọng”… cho hầu hết ca sĩ - từ loại được xem là có tên tuổi cho đến những ca sĩ… có tuổi nhưng chưa có tên.

Các điểm kinh doanh điện thoại di động, studio cho thuê áo cưới, shop áo quần thường xuyên có cách quảng cáo gây “sốc” như “giá rẻ bất ngờ”, “đại hạ giá”… nhưng thực hư thế nào chỉ có trời mới biết!

Biết tin ai?

Điều quan trọng là khi tất cả đều số 1 thì ai sẽ là số 2, số 3… hay tất cả là “cá mè một lứa”? Chị Tự (phường Thạch Thang - Hải Châu) than thở: “Các đồ dùng cho gia đình chị đều lựa chọn kỹ, không chỉ vì độ bền, tiết kiệm thời gian, công sức mà quan trọng hơn là để bảo đảm sức khỏe của cả nhà, kính đeo mắt là một ví dụ, vì không rành, để bảo đảm, chị tìm đến các cửa hiệu “số 1”. Nhưng rồi, dùng một thời gian, chồng con chị vẫn kêu đau mắt như thường, đem đi so sánh và hỏi những người biết phân biệt thì biết, mặc dù được bán với giá “trên trời” nhưng các sản phẩm số 1 này đều không khác so với kính bán hàng loạt ở chợ và ngổn ngang trên vỉa hè”. Tất nhiên, chị Tự không phải là trường hợp khách hàng duy nhất bị ăn cú “lừa” kiểu như thế.

Bên cạnh yêu cầu người dân tỉnh táo, thận trọng thì sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực nói trên là yêu cầu bức thiết, để giúp người tiêu dùng, khán giả không bị đánh lừa bởi những kiểu quảng cáo vô tội vạ, để Đà Nẵng trở thành một thành phố văn hóa, văn minh đúng nghĩa.

Trần Thanh Tân

;
.
.
.
.
.