.
Chuyện gia đình nghệ sĩ TRẦN HỒNG:

Đến với âm nhạc như lẽ tự nhiên

.

Một gia đình có đến 3 người là hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam. Cha con, vợ chồng cùng đàn, hát, cùng theo đuổi một niềm đam mê. Chúng tôi đang nói đến ba cha con (cha, con gái và con rể) nhạc sĩ  Trần Hồng - cái tên đã quá quen thuộc với làng âm nhạc Đà Nẵng.

 

Mô tả ảnh.
Ca sĩ Thanh Trà và chồng-nhạc sĩ Xuân Minh.

 

Nhạc sĩ Trần Hồng thú nhận, ngay từ đầu ông không có ý định để con cái theo nghiệp mình: “Trong thời bao cấp, mình nếm trải những nỗi nhọc nhằn của đời nghệ sĩ là đã đủ lắm rồi”. Nhưng rồi, dường như không thể cưỡng lại lẽ tự nhiên. Trong niềm tự hào không giấu giếm về cô con gái rượu-ca sĩ Thanh Trà, người đã 9 lần ra Hà Nội nhận giải thưởng âm nhạc, ông kể: “Từ nhỏ, Trà luôn là đứa nhanh nhẹn, hoạt bát. Đặc biệt nó bộc lộ năng khiếu vượt trội về âm nhạc từ rất sớm: năm 10 tuổi đã đoạt Huy chương vàng “Hoa phượng đỏ” và nhiều giải thưởng dành cho thiếu nhi khác.

Khoảng năm học lớp 5, lớp 6, Trà thường theo bác lên lớp (bác đang dạy), dù tuổi nhỏ nhưng Trà luôn dẫn đầu lớp về những môn nhạc lý, ký âm, xướng âm… Khi là nữ sinh của trường cấp 3 Phan Châu Trinh, bên cạnh năng khiếu âm nhạc, Trà còn bộc lộ khả năng văn chương. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trà đậu vào Trường đại học Tổng hợp Huế, khoa Văn. Bác mừng cho nó, nhưng theo học được 1 năm thì Trà nhất quyết bỏ, đi theo Đoàn ca múa Tiên Sa để ca hát. Vậy là trời đã định, bác cũng chẳng biết làm thế nào”.

 

Mô tả ảnh.
Nhạc sĩ Trần Hồng và con gái-ca sĩ Thanh Trà.

Lý giải về hành động ngày trẻ của mình, ca sĩ Thanh Trà cười bảo: “Tính mình nó thế, đã thích cái gì là phải theo bằng được…” và cho đến nay “mình không chút hối hận về con đường mình đã chọn, tự hào nữa là khác”. Rồi chị say sưa kể về niềm đam mê của mình, chị không thích nói về tiểu sử, về những huy chương đã đạt được trong sự nghiệp của mình, chị “chỉ thích nói về nhạc, về ca hát”… Nhưng khi tôi gặng hỏi về mối tơ duyên giữa chị với chồng là nhạc sĩ hòa âm, phối khí Nguyễn Xuân Minh: “Thực ra anh Minh theo chị từ hồi chị còn học 12 cơ, nhưng mãi đến một lần chị theo đoàn nghiệp dư đi biểu diễn chị mới “đổ”, rồi thành vợ thành chồng, cũng gọi là cái duyên”. “Vợ ca hát, chồng đệm đàn, hòa âm, phối khí rất thuận lợi để phát triển sự nghiệp”, Nhạc sĩ Trần Hồng góp tiếp câu chuyện.

 

Việc nhạc sĩ hòa âm, phối khí Xuân Minh đạt nhiều giải thưởng cấp thành phố và quốc gia thì có lẽ không cần phải nói nhiều nữa. Riêng ca khúc “Thành phố lá và hoa”, anh đạt giải nhì (không có giải nhất) cấp thành phố hồi năm 1998-2000 thì lời ca khúc này là do anh Đức Phong, anh trai ca sĩ Thanh Trà viết. Ngạc nhiên trước tiềm năng âm nhạc của gia đình nghệ sĩ này, tôi hỏi thêm thì được biết, anh Đức Phong còn viết lời của rất nhiều bài hát khác, đây cũng là một sở thích của anh, mặc dù hiện tại anh không theo nghiệp âm nhạc…

Nhìn đứa cháu ngoại Nguyễn Trung Lân-con trai của ca sĩ Thanh Trà và nhạc sĩ Xuân Minh, lão làng nhạc Trần Hồng hãnh diện: “Thằng bé này cũng khá lắm, hát hay đàn giỏi, bác rất hy vọng, nhưng cũng không muốn nói trước điều gì”.

Nhạc sĩ Trần Hồng nay đã xấp xỉ 80, ở cái tuổi nghỉ ngơi của đời người, nhưng ông vẫn xông xáo trong các hoạt động văn nghệ của Hội Văn học nghệ thuật TP. Đà Nẵng. Điều người ta trân trọng ở người nhạc sĩ này là ông vẫn giữ vẹn nguyên niềm đam mê với nghệ thuật văn hóa dân gian xứ Quảng: vẫn cất công đi về các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, để sưu tầm, góp nhặt từng câu hát dân ca, bả trạo, hát sắc bùa mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người, nặng sâu tình nghĩa, đậm đà hồn Việt mà theo ông, không có một nghệ sĩ nào có thể sáng tác ra được những tác phẩm thay thế. Con gái và con rể ông cũng đang ở độ chín của nghệ thuật: bên cạnh ca hát, hiện Thanh Trà là Giám đốc Diahavia khu vực miền Trung, chuyên kiểm duyệt, cấp phép cho việc in ấn đĩa, sách về âm nhạc. Còn nhạc sĩ phối khí Xuân Minh hiện là Phó giám đốc Hãng phim truyền hình điện ảnh thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Ngọc Dung

;
.
.
.
.
.